Nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao pháp luật cho đồng bào
Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nguyễn Tuấn An cho biết, các hoạt động truyền thông, giải đáp pháp luật cho bà con DTTS được được trung tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm thực hiện cấp phát miễn phí gần 13.000 tờ gấp và hàng trăm sách pháp luật cho người dân; treo 40 bảng, 140 hộp tin tại UBND các xã, cơ quan tiến hành tố tụng. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện 26 hội nghị truyền thông lưu động về TGPL tại các thôn, xã trên địa bàn các huyện miền núi; 4 hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật, TGPL cho một số đối tượng đặc thù, trong đó có người DTTS tại các xã thuộc huyện Sông Lô, Lập Thạch và Tam Đảo.
Tại các buổi tuyên truyền, TGPL, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của trung tâm đều thực hiện lồng ghép một số câu chuyện pháp lý, các vụ việc tham gia tố tụng xảy ra trên địa bàn để tuyên truyền, đồng thời, tư vấn, giải đáp các thắc mắc của đồng bào. Nhờ vậy, nhiều người DTTS đã nắm được các quy định pháp luật để vận dụng, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong đời sống hằng ngày.
Từng tham gia nhiều buổi truyền thông TGPL do Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tổ chức, bà Nguyễn Thị Tâm, đồng bào Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo cho biết: “Vì còn nhiều vướng mắc về chính sách hộ nghèo, các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng nên có buổi truyền thông pháp lý nào của Trung tâm TGPL tỉnh tổ chức trên địa bàn là tôi đều tham gia. Qua sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của cán bộ Trung tâm, tôi đã hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật để áp dụng vào thực tế”.
Trợ giúp pháp lý kịp thời, hiệu quả
Cùng với các hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật, Trung tâm còn thực hiện thụ lý và TGPL kịp thời, hiệu quả các vụ việc cho các đối tượng là người DTTS theo Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2020 và 9 tháng năm 2021, trung tâm đã thụ lý và TGPL hoàn thành hàng trăm vụ việc cho đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo; người có hộ khẩu thường trú tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn nhưng cư trú tại tỉnh. Trong đó, có nhiều bị can, bị cáo thiếu hiểu biết về pháp luật, nên bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong quá trình tham gia tố tụng, để TGPL cho đối tượng, các trợ giúp viên pháp lý của trung tâm đã tư vấn, giải thích quy định của pháp luật cho đối tượng hiểu; động viên tâm lý, đồng cảm, chia sẻ với người được trợ giúp, đồng thời, tìm các biện pháp để có hướng bào chữa tốt nhất cho họ.
Đơn cử như trường hợp của Lục Văn Tư, đồng bào Sán Dìu, xã Đạo Trù. Do hiểu biết pháp luật còn hạn chế và nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, Tư đã lên chợ Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để tìm mua ma túy về bán. Tháng 8/2020, Tư bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy.
Lục Văn Tư vừa là người DTTS, vừa thuộc hộ nghèo, nên nằm trong diện được TGPL miễn phí. Theo quy định của pháp luật, Lục Văn Tư sẽ bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Trong quá trình điều tra, Lục Văn Tư đã có thái độ ăn năn, hối cải và nhận thức rõ hành vi sai trái của mình. Vì vậy, khi tham gia tranh tụng, bào chữa, trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục để đề nghị Hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Tam Đảo ngày 25/7/2021, Hội đồng xét xử đã thống nhất tuyên phạt bị cáo Lục Văn Tư với mức án thấp nhất khung hình phạt là 2 năm 3 tháng tù giam.
Hiện, nhu cầu TGPL của người DTTS đang ngày càng tăng lên. Để bảo đảm quyền được TGPL của người DTTS, Trung tâm TGPL tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức truyền thông, tăng cường trợ giúp lưu động tại các xã miền núi để người dân biết và tiếp cận với các dịch vụ TGPL. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động tố tụng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người DTTS; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho các trợ giúp viên pháp lý thực hiện nhiệm vụ này./.