Hiệu quả tuyên truyền PBGDPL chưa cao
Trong những năm qua, nhờ công tác tuyên truyền PBGDPL của địa phương được đẩy mạnh, hiểu biết pháp luật của người dân xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu biết hoặc hiểu chưa đầy đủ về các quy định của pháp luật, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Điển hình như, tại thôn Xín Chải, từ đầu năm 2021 đến nay, có 3 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi đăng ký theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Mới đây nhất, tháng 3 vừa qua, cặp vợ chồng Hầu Mí Chính và Thào Pí My cũng kết hôn khi vợ chưa đủ 18 tuổi. Khi được hỏi có biết kết hôn như vậy là vi phạm pháp luật, là chưa được làm giấy đăng ký kết hôn, là khi con sinh ra sẽ chưa làm được giấy khai sinh cho con không... thì Thào Pí My hồn nhiên trả lời: Chúng mình thích nhau thì lấy thôi.
Còn tại Điện Biên, công tác tuyên truyền PBGDPL đối với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến các vi phạm pháp luật như: Tệ nạn nghiện hút ma túy, tảo hôn, di dịch cư tự phát, phá rừng làm nương rẫy...
Theo ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên: Chương trình, đề án về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, dàn trải; hình thức tuyên truyền chưa hấp dẫn; kinh nghiệm của đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật các cấp còn hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, một số thành viên Hội đồng tuyên truyền PBGDPL chưa thực sự quan tâm, còn xem nhẹ công tác này nên thiếu sự chỉ đạo quyết liệt; điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tuyên truyền PBGDPL của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng chưa tổ chức triển khai được nhiều.
Cần xây dựng báo cáo viên chuyên sâu
Theo bà Ngô Việt Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền PBGDPL (Bộ Tư pháp), một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác tuyên truyền PBGDPL là nguồn nhân lực mỏng. Đội ngũ làm công tác PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu, trình độ chưa đồng đều.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên còn thiếu hiểu biết về tiếng dân tộc, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chưa phù hợp hoặc chưa chú trọng đổi mới để nâng cao hiệu quả.
Để tháo gỡ những khó khăn này, theo các cán bộ chuyên ngành, thì cần xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chất lượng cao, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có lòng nhiệt tình, say mê với công việc để đưa kiến thức pháp luật đến với bà con DTTS một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng nội dung, cách thức tuyên truyền PBGDPL phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng đồng bào DTTS.
Ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Nhà trường Đại học Luật Hà Nội nêu, ví dụ như các em sinh viên là người DTTS, biết nói tiếng DTTS là một lợi thế trong việc tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai cần phải quan tâm đào tạo, thu hút.
Tuy nhiên, theo ông Vừ Bá Thông, chuyên viên Vụ Pháp chế ( Ủy ban Dân tộc), để thu hút đội ngũ nhân lực chính quy, chất lượng cao làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cần có những cơ chế chính sách đảm bảo tính đồng bộ, xuyên xuốt, bền vững.