Nhìn lại kết quả thực hiện đề án
Điển hình là mô hình tại Trường PTDTNT THCS và THPT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh. Theo điều tra, khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh, trước năm 2016, nhà trường luôn có tỷ lệ học sinh bỏ học và kết hôn sớm rất cao. Sau khi xây dựng mô hình điểm cấp trường, Ban Chỉ đạo mô hình đã tiến hành thành lập Tổ tư vấn, truyền thông trong trường; tuyên truyền ngoại khóa, phổ biến chuyên đề giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT), để học sinh hiểu được những nguy cơ và hệ lụy của việc tảo hôn; lồng ghép nội dung về tảo hôn, thông qua các hoạt động ngoại khóa vào sáng thứ hai hằng tuần, với hình thức sân khấu hóa…
Ban Giám hiệu Nhà trường phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, tổ chức 2 hội nghị chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT” cho học sinh, với các hoạt động như: Tổ chức hội nghị chuyên đề; chiếu phim phóng sự về tác hại của tảo hôn; Tổ chức hoạt động truyền thông, tư vấn nhằm ngăn ngừa, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học do TH&HNCHT; Xây dựng 2 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình trong học sinh; tổ chức Ngày hội Văn hoá thanh niên DTTS…
Thầy Từ Kim Lân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Việc thành lập mô hình điểm tại nhà trường rất thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ lệ học sinh bỏ học để kết hôn sớm giảm rõ rệt. Đa số học sinh đã nâng cao nhận thức, hiểu được tác hại của TH&HNCHT. Các em đã biết nói "không" với TH&HNCHT”.
Còn tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành khảo sát điều tra mô hình điểm xã Vĩnh Sơn. Trong số 61 cặp kết hôn, có 51 cặp kết hôn đúng tuổi; 10 cặp còn lại kết hôn chưa đủ tuổi (chủ yếu trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18). Từ khảo sát này, Ban Dân tộc đã triển khai các hội nghị tập huấn, chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT”; thành lập tổ tư vấn; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TH&HNCHT; cung cấp các ấn phẩm, tài liệu truyền thông liên quan; xây dựng 7 pa nô tuyên truyền tại trung tâm hành chính xã Vĩnh Sơn và 6 làng của xã... Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp trên, mà tỷ lệ tảo hôn đã giảm đáng kể, trên địa bàn không còn trường hợp HNCHT.
Tiếp tục nhân rộng mô hình điểm
Ông Đinh Văn Lung, Quyền Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định chia sẻ: Tình trạng tảo hôn tuy giảm đáng kể nhưng chưa bền vững. Trong năm 2021, UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn 2).
Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhân rộng mô hình điểm tại 15 xã khu vực III, xã có đông người DTTS sinh sống. Cụ thể: xã Canh Liên, Canh Hoà, Canh Hiệp và Canh Thuận, huyện Vân Canh; xã An Toàn, An Nghĩa, An Quang và An Vinh, huyện An Lão; xã Ân Sơn, Bók Tới, Đắk Mang, huyện Hoài Ân; xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) và 5 trường PTDTNT, bán trú trên địa bàn tỉnh.
Tại các mô hình điểm, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng. Tổ chức các hoạt động tập huấn phổ biến thông tin, tuyên truyền tại các làng, lồng ghép chiếu phim phóng sự về TH&HNCHT; các gia đình ký cam kết thi đua không vi phạm TH&HNCHT; đưa một số nội dung có liên quan vào hương ước, quy ước của làng; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, TH&HNCHT tại các trường PTDTNT của huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Hoài Ân…
Theo ông Đinh Văn Lung, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng TH&HNCHT kéo dài dai dẳng, là do ảnh hưởng từ phong tục tập quán lạc hậu và việc xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, các địa phương cần xử phạt nặng những trường hợp vi phạm để làm gương.
Ngoài ra, cần duy trì và tiếp tục triển khai nhân rộng những mô hình điểm, qua đó nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.