Ngày 28/11, tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp triển khai các nội dung do Bộ GD&ĐT chủ trì thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Dân tộc; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan tại 17 tỉnh thành vùng đồng bào DTTS và miền núi phía Bắc, cùng đại diện, chuyên gia tại một số trường đại học.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì 2 nhiệm vụ, bao gồm Tiểu dự án 2, Dự án 4 với nội dung đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc và Tiểu dự án 1, Dự án 5 với nội dung đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Thời qua qua, Chương trình đã được triển khai tích cực tại các địa phương, ghi nhận những kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình cũng phát sinh những khó khăn, chồng chéo cần sớm có giải pháp khắc phục. Hội thảo được tổ chức, nhằm ghi nhận ý kiến của các địa phương, các trường đại học để đưa ra các giải pháp cụ thể, sát thực tế nhằm tham mưu tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung về quy định thực hiện để Chương trình tiếp tục được triển khai hiệu quả, tích cực.
Theo Vụ Giáo dục Dân tộc, triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 4, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai các nhiệm vụ đầu tư theo đúng kế hoạch, khẩn trương thực hiện các giải pháp để đầu tư hiệu quả cho Trường Đại học Tây Bắc và Đại học Tây Nguyên.
Liên quan đến Tiểu dự án 1, Dự án 5, hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình triển khai thường xuyên về các nội dung do Bộ GD&ĐT chủ trì.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, Bộ GD&ĐT cũng chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Bộ đã khảo sát, biên soạn, tập huấn, in ấn, cấp phát tài liệu cho học sinh và giáo viên như, tài liệu về khởi nghiệp trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa dân tộc cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; tài liệu nâng cao năng lực dạy học môn Toán, Tiếng Việt ở trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú cấp tiểu học; bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học môn Ngữ văn phát triển năng lực phẩm chất phù hợp học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở…
Về hoạt động xóa mũ chữ cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện, in ấn và cấp phát Bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 cho giáo viên và học viên; tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh về Hướng dẫn dạy học Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1…
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền các nội dung do Bộ chủ trì.
Tại Hội thảo, đại diện các địa phương, trường đại học đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ, giải đáp về các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình,cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn xung quanh các vấn đề như: phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị liên quan; hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo, vướng mắc trong các quy định; quy định chi ngân sách đối với các hoạt động dự án…