Báo chí bước vào kỷ nguyên mới
Sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo AI đang tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Báo chí với sứ mệnh nhạy bén, đi đầu cũng không đứng ngoài guồng của sự tác động này.
Theo đó, trí tuệ nhân tạo đang được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn diện ngành Báo chí, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tăng tốc độ và hiệu quả trong việc truyền tải thông tin. AI tự động hóa các tác vụ thông thường, thu thập, phân tích nhanh chóng dữ liệu, phản hồi từ độc giả. Đồng thời hỗ trợ quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung giúp gia tăng tốc độ sản xuất tin bài… Từ đó, các nhà báo có thể áp dụng vào nghiên cứu các tin bài sâu và mang lại nội dung chất lượng hơn.
Với nhiều cơ hội mới mà AI mở ra cho hoạt động báo chí, nhiều tòa soạn đang dần áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ việc sản xuất nội dung, thiết kế, phát hành tin bài thông qua việc cá nhân hóa, tìm hiểu nhu cầu bạn đọc. Từ đó từng bước làm thay đổi trải nghiệm người dùng về cả nội dung và hình thức phân phối thông tin.
Là một trong những cái tên sớm nắm bắt xu hướng của công nghệ, Báo điện tử VietnamPlus đã chú trọng áp dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để thu thập thông tin, phân tích, cá nhân hóa dữ liệu người dùng. Đồng thời, thông qua Chatbot tương tác với độc giả, nắm bắt nhu cầu, đưa ra những giải pháp nội dung phù hợp với đối tượng người dùng mà mình đang phục vụ, giúp họ nhanh chóng nhận được những thông tin mà mình muốn, thay vì phải tiếp cận với một số lượng khổng lồ tin tức thuộc nhiều lĩnh vực, rút ngắn thời gian, công sức trong quá trình tìm kiếm thông tin của độc giả.
Cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng AI vào lĩnh vực báo chí, bằng việc ra mắt dự án Báo thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo để đọc tin tức trên trang, Báo Thanh Niên đã thay đổi phương thức tiếp nhận dữ liệu người dùng, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin, vừa tiết kiệm thời gian cho độc giả. Nhờ đó, theo đội ngũ quản trị, số người dùng tính năng báo thông minh tăng lên gần 16.000 tài khoản, lượng tương tác với AI rất cao, có thời điểm đạt đến 15.000 yêu cầu từ người dùng.
Cùng với đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng được nhiều tòa soạn khác tại Việt Nam sử dụng như một trong những nền tảng hỗ trợ trong thời đại chuyển đổi số: dùng người dẫn chương trình ảo cho các bản tin video, bản tin podcast, áp dụng công nghệ tòa soạn thông minh, tự động giới thiệu tin tức cho bạn đọc dựa trên hành vi của chính người dùng… Đây chính là bước chuyển biến mạnh mẽ cho hoạt động của báo chí cách mạng, từng bước chủ động, linh hoạt, thay đổi cách tiếp cận, đem lại hiệu quả cho hoạt động truyền thông.
Những thách thức và định hướng phát triển
Không thể phủ nhận, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ báo chí theo cách thức chưa từng có. Nó không chỉ giúp tăng tốc độ sản xuất nội dung, cải thiện chất lượng mà còn giúp nhà báo giảm thiểu thời gian, chi phí và sức lao động. Tuy nhiên, cùng với đó, AI cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về những vấn đề mà nó đặt ra đối với nhà báo và các chủ thể quản lý.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, nguy cơ vi phạm bản quyền tác giả và cả các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động... là những thách thức lớn hiện nay.
Do đó, theo bà Hằng, các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số cần tập trung các ứng dụng này trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, trong đó chú trọng an toàn và an ninh thông tin.
Bàn về xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tương lai, theo Tổng Biên tập Báo điện tử VnExpress Phạm Hiếu, Chat GPT, AI thực tế đã tham gia vào quá trình này ở các mức độ khác nhau trong từng phân đoạn của người làm báo. Tuy nhiên, thời gian tới, AI sẽ tham gia trực tiếp hơn, nhiều hơn.
Về phía cơ quan quản lý báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, sự xuất hiện của AI hay ChatGPT đã cho thấy báo chí hiện đang rất phí sức trong khâu tác nghiệp hàng ngày. Ví dụ, tại một sự kiện mà báo nào cũng đưa tin như nhau thì việc này không tạo ra giá trị khác biệt và AI hoàn toàn có thể thay thế. Do đó, Bộ rất ủng hộ việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là AI trong hoạt động báo chí.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, AI mới chỉ làm tốt những công việc đơn giản, được lặp đi lặp lại, chưa thể thay thế con người trong một số công việc, lĩnh vực cần thiết liên quan đến hoạt động báo chí, đặc biệt là khả năng tư duy, phản biện, thích ứng và sáng tạo. Do đó, yêu cầu đặt ra cho báo chí cách mạng là vừa phải áp dụng những tích cực mà AI mang lại, vừa giải quyết bài toán thách thức mà trí tuệ nhân tạo đặt ra, đồng thời phát huy vai trò của chủ thể nhà báo để tạo ra chất lượng và uy tín của báo chí.
Theo Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 50% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung và ứng dụng AI để tối ưu hoạt động. Tỷ lệ này đến năm 2030 lần lượt là 100% và 90%. Đây có thể coi là văn bản quan trọng, mở ra thời kỳ chuyển đổi số báo chí mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.