Tôn vinh tranh dân gian Hàng TrốngTriển lãm trưng bày 35 tác phẩm tranh Hàng Trống do nghệ nhân Lê Đình Nghiên thực hiện, tiêu biểu cho 3 đề tài: Tranh Tết, tranh thờ và tranh thế sự.
Họa sĩ Lê Đình Nghiên, con của nghệ nhân Lê Đình Liệu là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. Ông đang lưu giữ khoảng 50 ván in tranh Hàng Trống, bức cổ nhất chừng 200 năm tuổi. Đây được coi là dòng tranh mang đậm nét Thăng Long-Hà Nội, được tạo nên từ lòng yêu nghệ thuật, sự tài hoa của những con người Hà thành xưa.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê cho biết, tranh Hàng Trống được coi là dòng tranh dân gian chính của 36 phố phường, chủ yếu phục vụ thị hiếu nghệ thuật của tầng lớp thị dân, quý tộc Thăng Long. Dòng tranh này chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo vùng miền, dân tộc. Đây là kết quả của sự giao thoa giữa Phật giáo, Nho giáo, loại hình điêu khắc được thờ ở đình, chùa và nét đẹp trong sinh hoạt hằng ngày.
Chưa có tài liệu nào cho biết chính xác thời điểm ra đời của dòng tranh dân gian Hàng Trống, chỉ biết rằng, tranh Hàng Trống phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tranh Hàng Trống có một ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Hà Nội xưa. Đây là dòng tranh dân gian đầu tiên vẽ về đề tài đời sống xã hội, điều này tạo nên một sự tiến bộ của tranh dân gian.
Tranh Hàng Trống khác với những dòng tranh khác ở kỹ thuật in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét đen lấy hình, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông. Khổ tranh thường to và dài, phù hợp với kiểu kiến trúc nhà cao cửa rộng nơi thành thị; bởi vậy mà, đây được coi là dòng “tranh quý tộc” dành cho tầng lớp thị thành xưa.
Theo cảm nhận của họa sĩ Phan Ngọc Khuê, bức tranh để lại ấn tượng mạnh nhất với ông là bức “Hương chủ”. Bức tranh “Hương chủ” khắc họa hình ảnh bàn thờ gia tiên, có mâm ngũ quả ngày Tết, có đèn, có nến... Những hình ảnh đó, đủ để mang lại không khí ngày Tết cho những gia đình nghèo khó.
Họa sĩ cho rằng, bức tranh là tấm lòng nhân văn cao đẹp của người nghệ sĩ dân gian dành cho những người nông dân nghèo ngày xưa.
Tuy nhiên, dòng tranh mang hồn bản sắc dân tộc ấy lại đang lùi dần vào quá khứ. Hiện nay, tranh Hàng Trống chỉ còn lưu giữ trong bảo tàng và trong sự nỗ lực của những nhà sưu tầm tranh.
Bảo tồn, phát huy dòng tranh Hàng TrốngTrước thực trạng mai một tranh dân gian Hàng Trống, nhóm S River mong muốn lưu lại giá trị di sản văn hóa truyền thống này. Chia sẻ về dự án Họa sắc Việt, cùng với hoạt động trưng bày tranh Hàng Trống, Nhà thiết kế Nguyễn Thu Trang, Trưởng nhóm S River cho biết: “Với chủ đề Những điều xưa cũ mới mẻ, chúng tôi mong muốn giá trị thẩm mỹ, yếu tố tinh thần của tranh Hàng Trống sẽ đi vào đời sống của người dân và có sức sống, tính cuốn hút của riêng mình”.
Không chỉ giới thiệu và trưng bày tại Triển lãm, nhóm S River ấp ủ dự án đưa những họa tiết từ tranh Hàng Trống ứng dụng vào đời sống như, trang trí hộp bánh, rèm cửa, túi sách... Bởi những đồ vật đó gần gũi hơn cả với những em nhỏ, từ đó hình ảnh tranh Hàng Trống đến gần hơn với thế hệ trẻ sau này.
Nhà thiết kế Nguyễn Thu Trang bày tỏ: “Chúng tôi lựa chọn một vài chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu ưng ý từ một hoặc vài bức tranh Hàng Trống rồi sáng tạo, sắp xếp, phối trộn chúng trở thành giá trị thẩm mỹ mới, đặt trong bối cảnh mới và có khả năng ứng dụng vào thiết kế. Đó là một cách để góp phần quảng bá, bảo tồn dòng tranh của người dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay”.
Hồng Minh