Làng chiếu mấy trăm năm tuổi
Thôn Đông Bình được bao bọc bởi bốn bề là nước của những con sông Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly, trở thành một “ốc đảo” tách biệt với thế giới bên ngoài. Chính vì thế vùng đất này rất dễ trồng cây đay, cây cói - nguyên liệu làm chiếu cói.
Theo những người cao tuổi kể lại thì, làng nghề chiếu cói Bàn Thạch hình thành từ đầu thế kỷ 17, tính đến nay đã trên 400 năm. Thời phong kiến, sản phẩm làng nghề nổi tiếng gần xa, từng là sản phẩm trao đổi của những thương nhân người Hoa và cũng từng là cống phẩm cho triều đình, quan lại và quý tộc.
Thời hoàng kim, có tới hơn 700 người dân trong làng làm nghề dệt chiếu. Trước kia, chiếu Bàn Thạch đã xuất khẩu sang các nước Đông Âu và Liên Xô, đến nay đã vươn ra hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới. Tại những lễ hội lớn như Festival Huế, Ấn tượng Mỹ Sơn hay Lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức hằng năm đều có mặt sản phẩm chiếu Bàn Thạch.
Tại làng Bàn Thạch có một chợ phiên chỉ bán duy nhất sản phẩm chiếu của Quảng Nam. Chợ phiên nơi đây họp từ 4 - 5 giờ sáng, bán đủ các loại chiếu, người mua từ khắp nơi tìm về để chọn chiếu.
Tiếng thơm là vậy, những giờ đã lùi về dĩ vãng…
Chị Trần Thị Bé (39 tuổi, ở tổ 11, thôn Đông Bình) than thở, trước đây, mỗi ngày, gia đình chị có thể làm ra từ 2 - 3 đôi chiếu, bán được trên 400.000 đồng. Nay chiếu khó tiêu thụ, giá bán thấp, 2 mẹ con cặm cụi dệt cả ngày được một đôi chiếu, bán ra được khoảng 120.000 đồng, trừ chi phí nguyên liệu, lãi được 50.000 - 60.000 đồng. Tính thu nhập thì mỗi thợ dệt chỉ được 25.000 đồng/ngày. “Nghề cổ chỉ còn danh tiếng vậy thôi chứ giờ cả làng không còn mấy người làm nữa. Nhiều gia đình đã chuyển sang làm nghề khác rồi. Bám theo nghề chiếu này khó khăn lắm”, chị Bé thở dài.
Cùng chung nỗi niềm như chị Bé, ông Võ Đức Cương (57 tuổi, Trưởng thôn Đông Bình) trăn trở: “Tính đến thời điểm này, địa phương chỉ còn khoảng 45 hộ dân tham gia sản xuất chiếu cói, giảm 60% so với cách đây 2 năm. Cứ bám mãi cái nghề này cũng chẳng bao giờ khá lên được. Biết là vậy nhưng có lẽ do “duyên nghiệp” với nghề nên chúng tôi vẫn cố giữ để không bị thất truyền”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đức Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Vinh cho biết, sắp tới, UBND xã Duy Vinh cùng các ngành liên quan của huyện sẽ tập trung định hướng và hỗ trợ tối đa để các cơ sở dệt chiếu cói sản xuất thêm các sản phẩm như: Túi xách, mũ, thảm cói, chiếu gấp… phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, xã cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành hình thành những Tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề dệt chiếu để quảng bá sản phẩm.
Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cũng thông tin, thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình hỗ trợ các làng nghề truyền thống nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Tại làng nghề chiếu Bàn Thạch, chính quyền địa phương cũng đang xây dựng phương án phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đưa người dân làng nghề vào phục vụ du lịch có thể sẽ là giải pháp phù hợp để khôi phục, phát triển lại làng nghề. Nhưng đó vẫn còn là chuyện trong tương lai.