Những người già trong làng kể lại, ngay từ những ngày trước khi diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, người làng Từ Vân đã may cờ đỏ sao vàng. Cách mạng Tháng Tám thành công, hàng trăm nghìn lá cờ từ đây đã tung bay trong rừng cờ mừng Quốc khánh 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Nhiều thập kỷ đã qua, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được các thế hệ người làng Từ Vân giữ gìn. Bởi trong tâm khảm người làng Từ Vân vẫn vẹn nguyên niềm tự hào khi được góp những lá cờ vào sự kiện lịch sử của đất nước và họ đã gắn bó máu thịt với nghề thiêng liêng ấy đến tận bây giờ.
Gia đình anh Nguyễn Văn Phục, sinh năm 1975, có xưởng sản xuất lớn nhất ở Từ Vân. Từ khi mười mấy tuổi, cậu bé Phục đã đi giao cờ khắp nơi cho bố mẹ. Ngày ngày sống trong sắc cờ đỏ sao vàng tươi thắm, anh Phục trưởng thành và tự mở cơ sở sản xuất. Tới giờ, những đứa con của anh cũng đã thoăn thoắt cắt vải, may cờ thành thục. “Dồn tâm huyết để may những lá cờ đỏ sao vàng là thể hiện lòng yêu Tổ quốc của dân làng Từ Vân. Chúng tôi muốn truyền lửa cho thế hệ sau niềm tự hào này”, anh Phục chia sẻ.
Theo anh Phục, nhiều người nhìn một lá cờ có vẻ giản đơn, nhưng để làm ra nó đòi hỏi ở người thợ sự tận tâm, tỷ mỉ đến từng đường kim, mũi chỉ. Thế nên, dù có rất nhiều nơi sản xuất cờ, nhưng lá cờ Từ Vân luôn sắc nét và có dấu ấn riêng.
Giữa thời buổi kinh tế thị trường, người làng Từ Vân cũng phải bươn chải để mưu sinh, nhưng vẫn quyết tâm giữ nghề may cờ Tổ quốc. Vì thế, người làm nghề đã đầu tư máy móc, cập nhật công nghệ như máy cắt lazer và máy in màu để sản phẩm làm ra nhanh hơn, đẹp hơn.
Ngày nay, hằng ngày, lá cờ Tổ quốc do người làng Từ Vân may vẫn tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ cột cờ Lũng Cú đến đảo Trường Sa, từ phố phường cho đến làng quê luôn khơi dậy trong lòng mỗi chúng ta hai tiếng Việt Nam đầy tự hào. Và, đó cũng chính là niềm tự hào riêng của những người dân làng Từ Vân.