Cùng dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Tổng Kiểm toán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng Thường trực Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và địa phương.
Thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Quốc hội đã chủ động, tích cực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hiến pháp 2013, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Với phương châm từ sớm, từ xa, trên quan điểm chuẩn bị tốt nhất các dự án luật trước khi trình Quốc hội, căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 28-29/3 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về 4 dự án Luật dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển đất nước nhanh và bền vững đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và cho cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV. Trong đó, đặt ra yêu cầu Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đẩy nhanh tốc độ và chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội.
Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Kế hoạch số 81 để triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, tọa đàm, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện các dự án luật.
Tại các phiên họp thứ 7, thứ 8 và thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để cho ý kiến toàn diện về các dự án luật nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho các dự án luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp tại Kỳ họp.
Sau khi gợi mở một số nội dung cơ bản có trong các dự án luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đồng thời lưu ý thời gian của Hội nghị không dài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tâm huyết, thảo luận tranh luận để thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, phản biện tích cực về các vấn đề của dự thảo luật, cũng như các vấn đề thực tiễn đề ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét thông qua.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ./.