Trong lần thứ 14 được tổ chức, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam có chủ đề “Taste of Heritage” (tạm dịch: “Cảm hứng di sản”) nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần tôn vinh các giá trị truyền thống tới công chúng trong nước và quốc tế. Theo thống kê của Ban Tổ chức, khoảng 10.000 lượt khán giả đã tới dự trực tiếp các buổi trình diễn thời trang của 18 nhà thiết kế Việt Nam và nước ngoài.
Sân khấu chính được đánh giá là đẹp mắt, đúng chủ đề, với hình ảnh mô phỏng Tháp Rùa-một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Các thiết kế ra mắt khán giả trên nền nhạc có yếu tố truyền thống, sử dụng nhiều tác phẩm thuộc thể loại ca trù, ả đào, nhạc cụ dân tộc qua phần trình diễn của các nghệ sĩ như Ngọc Khuê, Trần Xuân Hòa…
Hầu hết các bộ sưu tập đều truyền tải tốt “cảm hứng di sản”, dù giữ nguyên bản hay chỉ lấy cảm hứng. Được chọn mở màn, bộ sưu tập “Sương” của nhà thiết kế Hoàng Minh Hà mang đến loạt trang phục kết hợp nhiều di sản của vùng đồng bằng Bắc Bộ, như: nón quai thao, áo yếm, khăn mỏ quạ, hình ảnh hoa gạo đỏ, nghệ thuật xếp giấy cổ…
Đặc biệt, toàn bộ các thiết kế sử dụng chất liệu tơ sống, tơ tằm và vải sợi làm từ bã cà-phê, tơ sen, xương rồng, vỏ hàu… với những đặc tính ít gây hại tới người dùng và môi trường sinh thái. Màn trình diễn đáng chú ý khác là bộ sưu tập kết thúc sự kiện mang tên “Ký gửi người H’Mông vào tương lai” của nhà thiết kế Vũ Việt Hà với 33 thiết kế được truyền cảm hứng từ trang phục của đồng bào dân tộc Mông đen ở thị xã Sa Pa (Lào Cai). Không chỉ gây ấn tượng bởi mầu sắc và phụ kiện cầu kỳ, trang phục của người Mông còn giống như một “kho tàng” kể nhiều câu chuyện về văn hóa, lịch sử.
Bộ sưu tập “Hoa cúc và mặt trời Đại Việt” của nhà thiết kế Vũ Lan Anh đưa lên tà áo dài truyền thống các hoa văn, họa tiết cổ được chọn lọc từ nhiều nghiên cứu của các nhà nghiên cứu như Trần Hậu Yên Thế (họa sĩ, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam), nghệ nhân Vũ Kim Lộc (Hưng Yên)…
Nhiều bộ sưu tập khác cũng bám sát “đề bài” di sản văn hóa Việt Nam. Cùng chọn chất liệu nhung gắn liền với hình ảnh Hà Nội xưa, nhưng trong khi nhà thiết kế Đức Hùng chọn kỹ thuật chần bông cổ điển thì nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn đưa nhung lên các loại váy dạ hội hiện đại, cá tính. Một số nhà thiết kế quốc tế như Frederick Lee (Singapore), Priyo Oktaviano (Indonesia), Jovana Benoit (Haiti)… tham dự Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2022 với các bộ sưu tập mới nhất, góp thêm sự đa dạng.
Thương hiệu Metiseko (Pháp) thì chinh phục người xem với bộ sưu tập đậm đà cảm hứng Hà Nội, từ hình ảnh Tháp Rùa, cầu Long Biên, chợ hoa Quảng Bá cho đến những hàng cây phượng rực đỏ chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Các nhà thiết kế người Pháp cho biết, lần đầu tiên sử dụng lãnh Mỹ A (làng lụa Tân Châu, An Giang) cho bộ sưu tập này và bày tỏ yêu thích, ngưỡng mộ đối với loại lụa đặc biệt của Việt Nam.
Hoa đào, hoa sen, chim hạc, rồng, phượng hoàng, tranh Đông Hồ, cây lúa, ruộng bậc thang... cũng được nhiều nhà thiết kế như Thảo Nguyễn, Hoàng Quyên dùng làm cảm hứng, để làm bật lên tinh thần bảo tồn và phát huy văn hóa, di sản. Cùng một hình ảnh mang tính biểu tượng, mỗi nhà thiết kế lại có cách lựa chọn, xử lý chất liệu và mầu sắc, phom dáng khác nhau, tạo nên sự phong phú và không trùng lặp. Không chỉ tại sự kiện này mà nhiều nhà thiết kế Việt Nam từ trước đó đã theo đuổi các giá trị bền vững như sử dụng chất liệu bản địa hoặc kể chuyện văn hóa qua thời trang.
Trong năm 2022, nhiều chương trình thời trang lớn đều chọn kết hợp trình diễn thời trang với tôn vinh di sản thiên nhiên hoặc văn hóa dân tộc, chẳng hạn như Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2022, VC Show - Bước chân di sản, Ký ức tuổi thơ, Elle Fashion Show 2022… Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chia sẻ về thông điệp “Cảm hứng di sản”, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á kiêm Chủ tịch Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Lê Thị Quỳnh Trang cho biết: “Sau những thành công và sự chuyển mình rõ rệt của thời trang Việt Nam trong thời gian qua. Chúng tôi tin rằng, đây chính là thời điểm để chúng ta khẳng định bản sắc thiết kế riêng để tiếp tục đưa thời trang Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế với tinh thần “hòa nhập không hòa tan”, truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế sáng tạo và thổi hồn văn hóa Việt vào trong những thiết kế của mình theo ngôn ngữ thời trang”.