Giúp đỡ bằng những việc làm thiết thực
Bản Nịu thuộc xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch), là nơi sinh sống của 37 gia đình người Bru Vân Kiều, thì có 24 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Ngoài ra, cơ sở vật chất và sinh kế của đồng bào ở bản Nịu còn rất nhiều hạn chế. Từ khi Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch ban hành Quyết định số 2122-QĐ/HU, ngày 2/6/2022 về việc triển khai thực hiện mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản”. Theo đó, xã Trung Trạch được phân công giúp đỡ bản Nịu (xã Thượng Trạch).
Ngay sau khi được phân công, đại diện ban ngành xã Trung Trạch đã đến thăm và tìm hiểu tình hình thực tế đời sống của người dân bản Nịu. Từ đó lên phương án đóng góp, triển khai hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.
Sau 5 tháng vừa huy động nguồn lực, UBND xã Trung Trạch đã hỗ trợ bản Nịu tu sửa nhà văn hóa sinh hoạt động cộng đồng; hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt cho đồng bào; công trình sinh kế và hỗ trợ 2 con lợn giống cho 1 hộ gia đình trong bản; hỗ trợ giống cây ăn quả và hướng dẫn quy trình và kỹ thuật gieo trồng các loại cây rau cho nhiều hộ khác trong bản…
Cùng với đó, các đảng viên xã Trung Trạch được phân công, còn trao đổi giúp đỡ Chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các chi hội ở bản Nịu về công tác xây dựng hệ thống chính trị, hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Được tiếp sức, bước đầu, bản Nịu đã có sự “thay da đổi thịt”, từ cơ sở vật chất đến vệ sinh bản làng có nhiều thay đổi. Các tổ chức đoàn thể cấp thôn bản hoạt động hiệu quả hơn trong việc tuyên truyền, vận động và cùng với đồng bào phát huy được tinh thần tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo.
Tương tự, xã Thanh Trạch được phân công giúp đỡ bản Bụt, xã Thượng Trạch. Bằng sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân trong xã, Thanh Trạch đã có nhiều hỗ trợ thiết thực cho người dân bản Bụt. Cụ thể, từ khi thực hiện mô hình đến nay, xã Thanh Trạch đã hỗ trợ xây dựng các điểm cấp nước sinh hoạt cho người dân, trị giá khoảng 70 triệu đồng; xây dựng cổng trường mầm non trị giá 15 triệu đồng; tặng quà cho người dân bản Bụt trị giá hơn 21 triệu đồng. Dự kiến, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục xây dựng 2 chuồng nhốt gia súc cho bản trị giá 40 triệu đồng…
Lan tỏa tinh thần sẻ chia
Nói về mô hình “Mỗi xã giúp đỡ mỗi bản”, ông Định Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết: Từ mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản”, nhiều bản trên địa bàn xã Thượng Trạch còn được hỗ trợ các công trình giếng khoan, nước sạch, đường giao thông, mô hình trồng rau… Đặc biệt, mô hình đang góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức của dân bản, về cách tổ chức cuộc sống, sinh hoạt gia đình; nhất là việc tăng gia sản xuất những vật nuôi, cây trồng có giá trị hàng hóa để cải thiện cuộc sống, để bán hoặc trao đổi thêm thực phẩm, lương thực, vật dụng khác phục vụ cho sinh hoạt gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Dân tộc huyện Bố Trạch phấn khởi nói: Mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” là một mô hình hay, phát huy được tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thông qua mô hình, nhiều bản vùng cao đã nhận được sự giúp đỡ, bằng những việc cụ thể cần thiết để vươn lên xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.
Mặc dù thời gian triển khai chưa lâu (từ tháng 6/2022), nhưng mô hình bước đầu đã đạt được kết quả khá ấn tượng. Đặc biệt, thấy được kết quả từ sự giúp đỡ, đã lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong mỗi một cán bộ, qua đó đã huy động được sự vào cuộc của các xã, thị trấn tham gia giúp các bản thông qua nhiều mô hình, phần việc hiệu quả.
Theo đó đến nay, toàn huyện đã huy động được trên 2 tỷ đồng hỗ trợ các bản, trong đó thực hiện 48 công trình, phần việc trị giá trên 1,9 tỷ đồng, tặng 860 suất quà trị giá 164 triệu và hàng trăm ngày công.
Mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” là cách làm hay đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần sẻ chia với đồng bào vùng khó trong phạm vi toàn huyện. Không đơn thuần chỉ là giúp bản nghèo vượt khó, mà thông qua mô hình này nghĩa Đảng, tình dân ngày càng gắn kết.
Cách làm này, cũng là một kinh nghiệm để các địa phương huyện Bố Trạch, và có thể là nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, toàn quốc, có thể nghiên cứu tham khảo để góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.