Gia đình bà Điệu Thị Yến Oanh, một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở ấp 4 xã phú lý, Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là một trong những hộ được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinhh tế. Bà Oanh cho biết, năm 2022 gia đình bà được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện theo Chương trình hộ nghèo thông qua sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã. Từ nguồn vốn vay này, bà đã đầu tư mô hình trồng 0,5 ha bưởi và kết hợp chăn nuôi 40 con gà thịt, 02 con heo.
“Thời điểm trước đây, cuộc sống của gia đình tôi còn nhiều khó khăn, song thời gian gần đây thu nhập từ trồng bưởi và chăn nuôi đã mang lại thu nhập ổn định với khoảng 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện vốn vay, gia đình tôi đã thực hiện đúng quy định việc trả lãi hàng tháng cũng như gửi tiết kiệm, do vậy đến nay số dư nợ đã giảm xuông còn 80 triệu đồng; mô hình trồng bưởi với hệ thống tưới tiết kiệm cũng mang lại hiệu quả cao cho gia đình”, bà Điệu Thị Yến Oanh tâm sự.
Hay như gia đình ông Trịnh Bá Oanh ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng là một trong những gia diình đã sử dụng nguổn vốn vay hiệu quả. Từ vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH, ông Oanh đã đầu tư chăn nuôi hươu, nai sinh sản với đàn 10 con hươu, nai sinh sản. Bên cạnh đó, gia đình ông Oanh còn đầu tư chăm sóc 2 ha rừng tràm. Nhờ chăm chỉ, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đàn gia súc của ông Oanh đã phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Hiện nay, mô hình chăn nuôi, trồng rừng của ông Trịnh Bá Oanh đã cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn vay, ông Vũ Văn Hồng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao. Theo đó, đã giúp 3.221 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn, trong đó có 208 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 0,58% cuối năm 2022 xuống còn 0,37% cuối năm 2023.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Đồng Nai, năm 2023, Chi nhánh đã hoàn thành tốt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao, tính đến 31/12/23, tổng nguồn vốn đạt hơn 4.986.721 triệu đồng, tăng 959.204 triệu đồng so với 2022. Tổng dư nợ cho vay đạt hơn 4.978.261 triệu đồng với 122.924 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng và chất lượng hoạt động tiếp tục được duy trì, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,2% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,14% tổng dư nợ, Chi nhánh tỉnh và 11/11 đơn vị cấp huyện được xếp loại chất lượng tín dụng tốt.
Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết: Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự quyết liệt, quyết tâm, nỗ lực cao của toàn thể cán bộ, người lao động chi nhánh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện giúp 48.632 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vay số tiền hơn 2.029.310 triệu đồng để tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập và điều kiện sống. Qua đó, góp phần duy trì và tạo việc làm mới cho 22.416 lao động; giúp 2.691hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt ngưỡng nghèo; giúp 18.805 hộ gia đình khu vực nông thôn xây dựng, cải tạo 18.805 công trình nước sạch và 18.578 công trình nhà vệ sinh; 5.172 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phục vụ học tập. Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
“Yếu tố then chốt hàng đầu tạo nên sự thành công trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội là sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội với NHCSXH. Thời gian tới, chi nhánh sẽ thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy vai trò và sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc thực hiện các công việc trong quy trình cho vay vốn; triển khai nghiêm túc, thường xuyên và có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm tín dụng chính sách xã hội. Phấn đấu phát huy tốt vai trò cũng như sứ mệnh của một ngân hàng vì người nghèo và các đối tượng chính sách với khẩu hiệu hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh thêm.