Bài 1: Đằng sau những con số
Để thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, hàng năm ngân sách Nhà nước đã chi số tiền không nhỏ. Nhưng do “rải mành mành” nên thực tế, các địa phương chỉ được bố trí nguồn lực nhỏ để thực hiện. Nguồn lực lớn
Theo thống kê, vùng DTTS và miền núi nước ta đang được thụ hưởng 116 chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh còn rất khó khăn, nhiều nhiệm vụ phải thực hiện nhưng ngân sách vẫn ưu tiên để thực hiện chính sách dân tộc.
Tại phiên chất vấn ngày 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian qua, ngân sách chi thường xuyên, chi sự nghiệp theo các chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Chỉ tính riêng 2 năm 2017-2018, ngân sách đã bố trí khoảng 187 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào DTTS, trong đó, năm 2018, tổng chi cho chính sách vùng đồng bào DTTS ước khoảng 96 nghìn tỷ đồng.
Cùng trả lời tại phiên chất vấn về chi đầu tư cho đồng bào DTTS, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, đã có rất nhiều chính sách, nguồn lực ưu tiên cho đồng bào DTTS. Giai đoạn 2011-2015 có 184 chính sách; giai đoạn 2016-2020, có 116 chính sách được quy định tại 170 văn bản. Đối với 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây Nguyên), giai đoạn 2016-2020 đã bố trí đầu tư gần 200 nghìn tỷ đồng, vốn ODA là hơn 38 nghìn tỷ đồng, tăng 2,47 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Sự ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi còn được thể hiện ngay trong phân bổ chi phí thường xuyên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn chứng, như định mức chi cho giáo dục tính theo dân số trong độ tuổi từ 1 đến 18 tuổi, vùng đô thị được phân bổ 2,148 triệu đồng/người/năm, vùng đồng bằng là 2,527 triệu đồng/người/năm, vùng núi, đồng bào dân tộc là 3,538 triệu đồng/người/năm, vùng cao, hải đảo là 5,034 triệu đồng/người/năm…
“Qua đó, có thể thấy, ngay trong phân bổ chi phí thường xuyên đã có sự ưu tiên đáng kể. Tổng chi thường xuyên phân bổ theo dân số liên quan đến đồng bào DTTS của năm 2017 khoảng 84.000 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Hiệu quả chưa cao
Trên phương diện tổng thể, những số liệu nêu trên thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm đầu tư vào vùng DTTS và miền núi vẫn như “muối bỏ biển”.
Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ, đồng bào chủ yếu ở các vùng có điều kiện tự nhiên rất khó khăn, đất sản xuất thiếu, cơ sở hạ tầng giao thông thiếu và yếu. Hơn nữa, do người dân ở không tập trung nên khi đầu tư hiệu quả không cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ví dụ, chi phí đầu tư một dự án nước sạch cấp huyện khoảng 40-50 tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ số dân rất ít. Tương tự là chi phí kéo điện đến thôn, bản, dù tốn kém nhưng chỉ phục vụ được rất ít người dân do họ sống phân tán. Hơn nữa, do đời sống chưa cao, người dân cũng dễ chịu tác động mạnh bởi thiên tai, dịch bệnh…, rất dễ trở lại tình trạng nghèo đói.
Một thực tế dễ nhận thấy là, nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS và miền núi rất lớn nhưng lại phân tán để thực hiện 116 chính sách; bao gồm hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ về điều kiện sinh hoạt…. Trong đó có một số chính sách, dù không chồng chéo về địa bàn triển khai nhưng lại trùng lặp về nội dung thực hiện. Như hỗ trợ phát triển sản xuất có 4 chính sách, hỗ trợ nước sinh hoạt có 3 chương trình,…
Đó là chưa kể, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đang bị chia nhỏ cho các địa bàn thuộc vùng DTTS và miền núi. Giai đoạn 2016-2020, cả nước có 20.176 thôn ĐBKK, 1.935 xã khu vực III, 2.018 xã khu vực II và 1.313 xã khu vực I của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng DTTS và miền núi. Với phép tính đơn thuần, nếu lấy tổng chi trong 2 năm 2017-2018 để thực hiện chính sách dân tộc là 187 nghìn tỷ đồng chia cho tổng số thôn, xã ĐBKK thì con số thực hiện ở mỗi địa bàn là chẳng bao nhiêu.
Có thể thấy rõ điều này trong việc thực hiện Chương trình 135, dù tổng vốn của Chương trình rất lớn nhưng ở cơ sở thì chỉ được định mức 200 triệu đồng/thôn/năm, 1 tỷ đồng/xã/năm. Chính Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã khẳng định, suất đầu tư cho xã, thôn 135 như vậy là quá thấp nên hiệu quả đầu tư chưa được như mong đợi.
Phải khẳng định, thực hiện chính sách dân tộc là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Nhưng chính sách phân tán, nguồn lực bị chia nhỏ nên đời sống của đại bộ phận người dân vùng DTTS và miền núi dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn rất khó khăn. Tình trạng nghèo vẫn còn là “đặc sản” ở khu vực này khi thu nhập bình quân chỉ 7-8 triệu đồng/người/năm, so với bình quân cả nước chỉ bằng 1/5; hết năm 2017, trong hơn 1,6 triệu hộ nghèo cả nước thì có 864.931 hộ là người DTTS; nghĩa là cứ 2 hộ nghèo thì có 1 hộ nghèo là người DTTS.
Để nghèo không còn là “đặc sản” của vùng DTTS và miền núi, bên cạnh khuyến khích ý chí vươn lên của người dân thì việc xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả là rất cần thiết. Một trong những định hướng khả thi là tích hợp các chính sách thành một Chương trình mục tiêu quốc gia. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO