Tại phiên thảo luận, các Đại biểu (ĐB) tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi). Trong đó nhiều vấn đề đã được các ĐB đưa ra như: bổ sung trong dự thảo luật quy định về đất trong khu vực dự trữ khoáng sản; tránh gây chồng chéo, khó thực hiện tại các địa phương khi thực hiện quy hoạch tỉnh 2021 - 2030; cần giới hạn quyền sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung thêm nội dung tiêu chí lựa chọn dự án để tạo quỹ đất…
Cùng với đó, các ĐB tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. ĐB Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ kỳ vọng về những chính sách trong dự án Luật đất đai (sủa đổi) lần này sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề này. Việc dự thảo luật quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ.
Cùng quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, cá nhân là người đồng bào DTTS tuy thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng không sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này để thể chế hóa đúng, đủ tinh thần của Nghị quyết Trung ương....
Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp rà soát tổng hợp đầy đủ ý kiến ĐBQH thảo luận để hoàn thiện dự thảo Luật. Ghi nhận các ĐB chia sẻ với nội dung luật khó phức tạp, cầu thị tiếp thu nhiều ý kiến nhưng đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau.
Liên quan đến các chính sách bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có Điều 16 và một số các điều khoản khác liên quan để thực hiện chính sách này, trong đó xử lý đất ở, đất sản xuất lần đầu; có cơ chế để xử lý trong trường hợp chuyển nhượng hay thừa kế để bảo đảm quỹ đất để cho bố trí cho đồng bào DTTS từ đất đai sắp xếp lại các nông lâm trường, các dự án phát triển quỹ đất…
Tuy nhiên các ý kiến vẫn cho rằng phạm vi còn hẹp so với Nghị quyết 18-NQ/TW bởi không phải chỉ có vùng đồng bào DTTS, miền núi mà ở các vùng khác… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để đưa vào luật bảo đảm tính khả thi.
Về các điều kiện để thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng thì một trong những yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là có thể thu hồi đất nhưng phải có phương án cho người dân để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Do đó, dự thảo Luật quy định về 7 trường hợp, phương án bắt buộc phải có. Theo đó, chỉ có trong trường hợp bắt buộc phải có tái định cư thì phải hoàn thành các khu tái định cư. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cho phép quy định trong trường hợp chưa hoàn thành khu tái định cư, bởi vì mất nhiều thời gian để xây dựng khu tái định cư thì có bố trí tạm cư và người dân phải đồng thuận.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong ngày hôm nay, đã có 49 ĐB phát biểu, 16 ĐB tranh luận, 72 ĐB đã đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tổng hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.