Dấu ấn của những đại biểu nhân dân
Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội người DTTS đã được ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chỉ ra như: 60/86 (69,76%) đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu, nhiều đại biểu công tác ở cơ sở, gần 50% là nữ, nhiều đại biểu tuổi đời còn trẻ, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xã hội. Địa bàn, khu vực cư trú, sinh hoạt của đồng bào các DTTS rộng lớn, chiếm hơn 2/3 diện tích cả nước, chủ yếu là núi cao, khu vực biên giới, vùng ĐBKK; cơ sở hạ tầng thiết yếu vừa thiếu vừa không đồng bộ; địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai…
Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng trong nhiệm kỳ qua, các ĐBQH là người DTTS đã hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh của người “đại biểu của Nhân dân”, mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia vào hoạch định chính sách. Vận động, động viên cử tri tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội liên quan đến khu vực miền núi, biên giới, vùng DTTS. Đóng góp công sức để củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc…
Trên nghị trường, cử tri cả nước vui mừng khi nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hay việc xây dựng Luật và thảo luận các vấn đề quan trọng khác… đã được nhiều ĐBQH là người DTTS phân tích, mổ xẻ một cách xác đáng và đầy sức thuyết phục. Không ít đại biểu xuất hiện với tần suất dày đặc nghị trường như đại biểu: Tống Thanh Bình (Lai Châu); Tô Văn Tám (Kon Tum); Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Vương Ngọc Hà (Hà Giang); Phương Thị Thanh (Bắc Kạn); Leo Thị Lịch (Bắc Giang); Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận)…
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) từng nhiều lần đề nghị, Chính phủ cần quan tâm giải quyết một số vấn đề trong triển khai thực hiện chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là việc bố trí nguồn lực để thực hiện còn hạn chế. “Cá biệt có chính sách từ khi ban hành vẫn chưa được bố trí vốn hoặc được bố trí rất ít vốn để thực hiện”, đại biểu Bình phát biểu trước Quốc hội.
Chắc hẳn nhiều người từng nghe đến những tranh luận “nảy lửa” của đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khắp, dân tộc Gia Rai (Gia Lai) liên quan đến phát triển rừng và các dự án thủy điện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trên diễn đàn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Tuy nội dung tranh luận, chất vấn của đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng bản lĩnh và trách nhiệm với cử tri đã được ghi nhận.
Chất lượng đại biểu không ngừng được nâng lên
Những đóng góp của đại biểu Quốc hội DTTS đã góp phần làm nên dấu ấn của Quốc hội khóa XIV với nhiều đổi mới và nội dung hoạt động chất lượng. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo Hiến pháp, tạo bước ngoặt mới, đột phá cho công tác dân tộc. Đó là việc Quốc hội đã phê duyệt Đề án Tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đại diện cho cử tri nơi địa đầu Tổ quốc, ông Hoàng Văn Minh (Hà Giang) chia sẻ: “Cử tri chúng tôi vui mừng khi nhiều ĐBQH đại diện cho cử tri vùng DTTS và miền núi đã nói lên tiếng nói của cử tri gửi tới Quốc hội. Quốc hội, Chính phủ cũng đã quan tâm, giải quyết những khó khăn, bức thiết của đồng bào. Chúng tôi mong muốn, sẽ có nhiều đổi thay đột phá ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian tới”.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, dân tộc Sán Dìu, ĐBQH, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Thời gian qua, Quốc hội đã rất quan tâm đến chính sách dân tộc. Chưa có khóa Quốc hội nào lại quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách dân tộc như Quốc hội khóa XIV.
Nhìn lại lịch sử 75 năm của Quốc hội Việt Nam, quán triệt tinh thần bình đẳng về chính trị giữa các dân tộc, nhiệm kỳ các khóa Quốc hội đều có sự tham gia, tăng dần số thành phần các DTTS. Từ khóa I đến khóa XIV, đã có 49/53 DTTS có đại biểu tham gia Quốc hội. Số lượng và chất lượng ĐBQH là người DTTS tham gia các khóa Quốc hội cũng tăng lên. Nhiều khóa gần đây, đại biểu Quốc hội người DTTS chiếm từ 15% đến 18% so với tổng số ĐBQH (khóa XIV là 17,4%). Hiện nay chỉ còn 4 DTTS rất ít người là: Lự, Ngái, Brâu, Ơ Đu là chưa có đại biểu tham gia các khóa Quốc hội.
Bên cạnh số lượng ĐBQH là người DTTS tăng, thì trình độ, năng lực của đại biểu cũng ngày càng được nâng cao. Nhiệm kỳ khóa XIV có sự chuyển biến rõ rệt, trong 86 đại biểu Quốc hội người DTTS có trình độ đại học và cử nhân là 83 người, chiếm 96,5%; trình độ trên đại học 32 người, chiếm 37,20%. Về lý luận chính trị, trình độ cao cấp, cử nhân 67 người, chiếm 77,90%. Tỷ lệ đảng viên chiếm 90,69%; tỷ lệ nữ giới chiếm 47,67%.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được diễn ra vào tháng 5/2021. Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng, Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục bầu chọn được những đại biểu tiêu biểu, trong đó tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng ĐBQH người DTTS.../.