Ông Tẩn A Lai, dân tộc Dao ở bản Tác Tình, thị trấn Tam Đường (Lai Châu) bộc bạch: Theo phong tục của dân tộc Dao trước đây, khi tôi mới 14 tuổi thì cưới vợ cùng tuổi. Vợ tôi 15 tuổi sinh con đầu lòng thường xuyên ốm đau, bệnh tật, sức khỏe yếu. Thời gian gần đây, tôi nghe cán bộ huyện, xã tuyên truyền tình trạng tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình, tôi động viên con trai lớn và con gái út học xong đại học mới được kết hôn.
Thời điểm này, tỷ lệ tảo hôn của xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên cũng đã giảm còn 19%. Để thay đổi được nhận thức trong người dân như trên, một thời gian dài, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quyết tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác truyền thông; đôn đốc cộng tác viên DS-KHHGĐ bản theo dõi, báo cáo những trường hợp có ý định kết hôn cận huyết và tảo hôn để kịp ngăn chặn. Đến nay, xã không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Chị Tạ Thị Nhàn, cán bộ UBND xã Mường Khoa tâm sự: Cách triển khai của xã là, lồng ghép các buổi họp bản tuyên truyền sâu rộng tới bà con về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Từ đó, tư vấn cho các trường hợp có ý định kết hôn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống về tác hại của việc làm này. Riêng 6 tháng đầu năm nay, cán bộ xã Mường Khoa đã tổ chức truyền thông 17 buổi, với 830 người dân tham dự về Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhờ đó, một số bản trong xã làm tốt công tác giảm tảo hôn như: Nà Nghè và Phiêng Xe.
Hiện nay, mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã được triển khai tại 37 xã của 7 huyện trong tỉnh Lai Châu. Thực hiện mô hình, cán bộ các cấp thường xuyên về cơ sở giúp bà con hiểu tình trạng tảo hôn ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý, nhất là em gái chưa đủ tuổi trưởng thành.
Quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh con sớm còn làm chậm quá trình phát triển thể chất dẫn tới thoái hóa, mắc các di chứng bệnh tật, suy kiệt sức khỏe bố, mẹ và con, cháu. Còn hôn nhân cận huyết thống sẽ tạo ra các gen bệnh như: bạch tạng, mù màu, da vảy cá, tan máu bẩm sinh dẫn tới suy thoái nòi giống của cả dòng họ. Với việc thông tin rõ thực trạng này, cán bộ, già làng, trưởng bản tổ chức cho các bậc cha, mẹ ký cam kết không để con, cháu tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống và đưa nội dung của Luật Hôn nhân và Gia đình vào quy ước, hương ước của bản.
Thông qua nhiều hoạt động tích cực, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu giảm còn 17,6% năm 2016; hôn nhân cận huyết thống giảm xuống còn 0,44% năm 2016 và năm 2017 không có cặp kết hôn cận huyết thống.
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tích cực phát triển các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các cơ sở. Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục tích cực triển khai đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”. Với nhiều biện pháp tích cực tại các vùng DTTS này, hy vọng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ từng bước ngăn chặn, đẩy lùi.
THIÊN ĐỨC