Đi thuyền độc mộc trên hồ LắkVới người Tây Nguyên, thuyền độc mộc, hay còn gọi là plung không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là linh hồn của cuộc sống, là sợi dây bền chặt kết nối con người với thiên nhiên. Ở nơi nào còn thấp thoáng bóng dáng plung, nơi đó vẫn giữ được vẻ bình yên nguyên sơ, nơi con người và rừng núi cùng chung sống hài hòa.
Thuyền độc mộc từng rất phổ biến ở vùng người M’Nông Gar, đặc biệt quanh hồ Lắk, tỉnh Đắk Lắk - nơi bà con đã sinh sống hàng nghìn năm, gắn liền với nghề trồng lúa nước và đánh bắt thủy sản. Hằng ngày, những người phụ nữ buôn Jun, buôn Lê, buôn M’Liêng, buôn Triết, buôn Trấp vẫn băng hồ trên những chiếc plung, vượt hồ nước để đến rẫy bên kia núi. Họ mang theo những câu chuyện từ buôn làng, những tiếng cười rộn rã, để lại sau lưng âm vang của mái chèo khua nước như một bản nhạc không lời của núi rừng.
Bình yên trên hồ Buôn TriếtHồ Buôn Triết, huyện Lắk đẹp đến nao lòng, mang đậm bản sắc văn hóa M’Nông Gar. Sáng sớm mặt hồ xanh ngắt màu trời. Khi ánh chiều buông xuống, mặt hồ khoác lên mình tấm áo lụa đỏ rực, những chiếc plung nằm nghiêng nghiêng bên bờ như những người bạn tri kỷ của đất trời, lặng lẽ dõi theo dòng chảy thời gian.
Theo Trung tâm Truyền thông Văn hóa Thể thao huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, thuyền độc mộc là sản phẩm thủ công độc đáo của người M’Nông ở huyện Lắk. Từ những thân cây gỗ sao to lớn, đồng bào cẩn thận đẽo gọt từng chút một để tạo nên những chiếc thuyền vững chãi, đủ sức chống chọi với những con nước thấp cao. Không chỉ đơn thuần là phương tiện, mỗi con thuyền còn là một tác phẩm nghệ thuật, mang trong mình dấu ấn của bàn tay người làm thuyền M’Nông, của những tháng ngày miệt mài bên thân gỗ, của tình yêu dành cho hồ nước và những chuyến đi xa đi gần.
Từ hàng trăm năm qua, người M' Nông luôn gắn bó với những chiếc thuyền độc mộcNhưng rồi hôm nay, những chiếc xe cày, xe máy dần thay thế, những con đường bê tông mở ra, và plung cũng dần vắng bóng trong đời sống hằng ngày. Ngày càng vắng bóng những lễ cúng mà cả buôn, cả dòng họ đã chung làm lễ cúng để hạ thủy một chiếc thuyền mới, càng vắng nhiều cảnh người thợ lành nghề tỉ mẩn đục đẽo, chạm khắc nét hoa văn trên thân gỗ. Những chiếc plung còn lại bên hồ đều là những chứng nhân của quá khứ, di sản của thập niên 1960 đến 1990, nhiều chiếc giờ đây đã được gia cố bằng vật liệu hiện đại để tiếp tục chống chọi với thời gian.
Giao thông phát triển, những phương tiện giao thông đường bộ đã dần thay thế phương tiện vận chuyển đường thủy trên hồ Lắk cũng là điều tất yếu. Dẫu thuyền độc mộc hiện nay không còn được bà con sử dụng phổ biến trong việc di chuyển và vận chuyển như xưa, nhưng để gìn giữ và phát huy giá trị của nét văn hóa đặc trưng này, nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tổ chức hội đua thuyền độc mộc trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây không chỉ là dịp để quảng bá du lịch, thu hút du khách thập phương mà còn là cách để tôn vinh một loại thuyền chỉ có trên cao nguyên Đắk Lắk. Mỗi mùa lễ hội, trên mặt hồ Lắk rộn ràng tiếng reo hò cổ vũ, những chiếc plung lại lao đi trên mặt nước, tái hiện khung cảnh xưa cũ, giúp thế hệ hôm nay cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp và tinh thần của cha ông.
Đua thuyền độc mộc trên hồ Lăk
Các vận động viên trổ tài đua thuyền độc mộc
Trên đường đua thuyền độc mộc