Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nhiều địa phương thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã quan tâm bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình bảo đảm theo quy định tại Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều công trình được đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, tạo sinh kế góp phần nâng cao đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi.
Nhiều địa phương chủ động cân đối ngân sách
Hà Nội là địa phương tự cân đối được ngân sách thực hiện Chương trình, nên ngay sau khi Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội ban hành, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố tại kỳ họp cuối năm 2020 phê duyệt danh mục 69 dự án với tổng kinh phí 500 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2021. Đến tháng 9/2021, Thành phố tiếp tục bổ sung thêm 243 tỷ đồng đầu tư cho 30 dự án.
Các dự án thực hiện trong năm 2021 được tích hợp tính vào các dự án đầu tư của Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ 2021 - 2025. Do đó, mặc dù Kế hoạch chưa ban hành nhưng các dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện ngay trong năm 2021, với tổng số vốn là 743 tỷ đồng.
Như tại huyện miền núi Ba Vì, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện được giao 40 dự án với tổng kinh phí là 500 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, triển khai thực hiện Chương trình, đến nay, huyện đã bố trí 423 tỷ đồng cho 37 dự án, trong đó, 23 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán (thuộc 4 lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế, thủy lợi) với tổng kinh phí 290,3 tỷ đồng); 1 dự án đã hoàn thành quyết toán với tổng kinh phí 14 tỷ đồng... Các dự án trên đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.
“Các chương trình dự án đầu tư được triển khai bảo đảm đúng đối tượng, đúng danh mục đầu tư được phê duyệt trong kế hoạch, dự án được triển khai lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định Nhà nước”, ông Nguyễn Đức Anh cho biết thêm.
Hay tại Quảng Ninh, cũng là một trong những địa phương tự cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện Chương trình. Theo đó, tổng vốn tỉnh Quảng Ninh xác định thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 4.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện là 1.500 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 200 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ các năm 2021, 2022, tổng vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện Chương trình là 1.101,815 tỷ đồng. Tổng vốn đã giải ngân tính đến ngày 31/12/2022 là 1.068,78 tỷ đồng, đạt 97% chỉ tiêu kế hoạch giao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ninh giảm trung bình 3%/năm. Trong 2 năm (2021 - 2022), số hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh giảm từ 1.056 hộ xuống còn 170 hộ, trung bình mỗi năm giảm 41,95%, trong đó số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Theo ông Vũ Kiên Cường - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình được triển khai thực hiện ngay từ đầu giai đoạn, một số nhiệm vụ, dự án hạ tầng thuộc Chương trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt. Các dự án đang triển khai thi công sau khi hoàn thành tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà...
Tạo bước đột phá trong khâu giải ngân nguồn vốn
Theo Quyết định 1719, giai đoạn I của Chương trình từ năm 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện là 47.057 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương được giao thực hiện Chương trình là hơn 14.400 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 9.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 5,4 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ giải ngân đạt 43,76% là khá cao trong bối cảnh còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình...
Trên thực tế, nhiều địa phương đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn, nhất là người đứng đầu các địa phương. Trong quá trình thực hiện có sự linh động và phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, đơn vị...
Như tại Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS trên địa bàn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 “Quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo Trưởng ban Dân tộc Quảng Ninh Vũ Kiên Cường, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trong cả nước triển khai sớm, ngay từ đầu giai đoạn các Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt Chương trình. Địa phương đã chủ động trong việc cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn lực bảo đảm thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn ngay từ giai đoạn đầu thực hiện Chương trình; phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực, liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình từ cơ sở.
Còn tại Thái Nguyên, triển khai thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, địa phương này đã có kế hoạch dành 1.984 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thành phần của Chương trình, với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
Tại huyện huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), năm 2023 được đầu tư trên 28,8 tỷ đồng thực hiện Chương trình 1719. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 25 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,2 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Quang Dũng - Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, từ nguồn vốn này, huyện dự kiến đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 40 công trình thuộc các Dự án, Tiểu dự án. Qua đó, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi…
Từ kinh nghiệm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 đòi hỏi các địa phương cần chủ động trong việc cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn lực bảo đảm thực hiện Chương trình. Việc triển khai hiệu quả nguồn lực đầu tư sẽ giúp đồng bào DTTS nhanh chóng được hưởng lợi, qua đó thúc đẩy vùng DTTS và miền núi phát triển.