Cao Sơn là xã khó khăn nhất của huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), là địa phương được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất từ Chương trình 135. Theo đó, 6/7 thôn bản đều có đường bê tông, 7 thôn có nhà văn hóa xây dựng khang trang, kiên cố, phần lớn đều nhờ nguồn vốn của Chương trình 135. Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình 135, Cao Sơn được đầu tư gần 1,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ bản và hỗ trợ sản xuất nhờ đó giúp Cao Sơn giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28,7%, hộ cận nghèo còn 13,4%.
Theo bà Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn, địa phương đã căn cứ vào tiêu chí đối tượng để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất đúng đối tượng, không bị lãng phí. Đặc biệt, các chương trình xây dựng cơ bản như đường giao thông, công trình nước sạch cũng được xã chủ động thực hiện tốt về thủ tục đầu tư; trong đó chú trọng vận động, tuyên truyền huy động sức dân, giải phóng mặt bằng để các công trình sớm được thi công, hoàn thiện, phục vụ lợi ích cộng đồng.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, theo thống kê, nếu giai đoạn 2016 - 2017, toàn tỉnh có 15 xã ĐBKK và 50 xã vùng II (có thôn ĐBKK) được giao làm chủ đầu tư công trình 135, thì giai đoạn 2018 - 2020, đã có 45 xã ĐBKK và 100% số xã vùng 2 (có thôn ĐBKK) được giao làm chủ đầu tư công trình 135.
Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Việc giao các xã làm chủ đầu tư công trình 135 thời gian qua, đã phát huy được tính chủ động và nâng cao năng lực, kinh nghiệm của các xã trong công tác quản lý điều hành các công trình xây dựng; cũng như xác định đúng nhu cầu đầu tư phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sát với thực tế địa phương. Bên cạnh đó, nhiều danh mục đầu tư được bàn thảo kỹ từ thôn bản, trực tiếp do Nhân dân thi công và trực tiếp giám sát, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng. Cơ chế này giúp người dân có việc làm và tăng thêm thu nhập.
Theo kết quả đánh giá thực hiện Chương trình 135 của Ủy ban Dân tộc (UBDT), từ năm 2016 đến hết năm 2018, cả nước đã có 121 xã của 29 tỉnh; 1.286 thôn thuộc 40 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản ĐBKK giảm từ 35,45% (năm 2016) xuống còn 25,54% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 - 2 lần so với đầu giai đoạn…
Phát biểu tại Hội thảo đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025 các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ do UBDT tổ chức tại Cao Bằng tháng 11/2019, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh: “Một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình 135; bảo đảm thực hiện đúng các mục tiêu, cơ chế, nguyên tắc của Chương trình: Công tác phân cấp, trao quyền; huy động và lồng ghép các nguồn lực; vận động người dân tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát và thực hiện Chương trình”.