“Cõng” chính sách về tận thôn bản
Năm 2010, anh Giàng A Tắc, dân tộc Mông, ở xã Sín Chén, huyện Si Ma Cai, (Lào Cai) hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương. Nhà có 10 anh chị em, kinh tế khó khăn nên sau khi xuất ngũ, Tắc chưa biết con đường phía trước mình sẽ đi như thế nào.
Được tư vấn từ chính quyền xã về chính sách hỗ trợ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), Tắc đăng ký và được xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản theo diện tu nghiệp sinh. Mọi chi phí học tập, đào tạo kỹ năng và tìm hiểu văn hóa nước sở tại trước khi sang Nhật đã được Nhà nước hỗ trợ, lại được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất ưu đai.
Sang Nhật, Giàng A Tắc làm trong lĩnh vực xây dựng, với thu nhập 25 – 30 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng, về nước, Tắc cũng đã gom được cho mình vốn liếng gần 600 triệu đồng. Tắc quyết định mua xe tải để chạy hàng, bảo đảm sinh kế ổn định cho tương lai của mình.
Giàng A Tắc là một trong những lao động người DTTS đầu tiên ở các huyện nghèo 30a được tiếp cận chính sách hỗ trợ XKLĐ theo Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29/4/2009 (gọi tắt là Đề án 71). Sau khi có Đề án 71, các huyện nghèo 30a (quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ) đã tích cực phổ biến chính sách, quyết liệt triển khai công tác đưa lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài về quê tạo ra thu nhập khá, đây là điều kiện để có thể phát triển kinh tế gia đình. Thậm chí, nhiều lao động khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương”.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
Phát biểu tại “Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại một số huyện nghèo” tổ chức ở huyện Mường Khương, Lào Cai ngày 13/10/2022.
Việc đưa chính sách vào cuộc sống đối với chính quyền các cấp lúc đó là không hề dễ bởi ngoài những cái “Không” của lao động người DTTS (không kỹ năng, không biết ngoại ngữ, không có vốn,…) thì tâm lý ngại đi xa là trở ngại khiến lao động người DTTS chưa mặn mà tiếp cận. Bởi vậy, công tác “cõng” chính sách về tận thôn bản được các bên liên quan quyết liệt thực hiện.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể đã đồng bộ triển khai tư vấn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đào tạo nghề, đào tạo văn hóa và trình độ ngoại ngữ,… cho lao động. Nhờ đó, chính sách hỗ trợ XKLĐ cho lao động người DTTS bắt đầu “bén rễ”.
Theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ, sau gần một năm kể từ khi Đề án 71 được ban hành, đã có khoảng 2.400 lao động ở các huyện nghèo đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 1.800 người đã trúng tuyển, được các doanh nghiệp phối hợp với địa phương tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng để xuất cảnh. Mặc dù chỉ đạt 1/5 mục tiêu của Đề án 71 trong giai đoạn 2009 – 2010, nhưng đây cũng là một kết quả ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách.
Đi làm thợ, về khởi nghiệp
Từ những “hạt giống” ban đầu, con đường “đi làm thợ, về khởi nghiệp” từ XKLĐ đã được nhiều thanh niên DTTS lựa chọn. Hành trang đi làm việc ở nước ngoài của lao động người DTTS có sự đồng hành của chính sách theo Đề án 71; từ năm 2015 được tiếp thêm sức từ chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ.
Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, lĩnh vực XKLĐ ở các huyện nghèo đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, giai đoạn 2009 – 2015, tại các huyện nghèo của cả nước đã có 15.600 lao động người DTTS xuất cảnh; giai đoạn 2016 - 2020, có 6.836 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, các địa phương cũng đã thực hiện tư vấn đi làm việc ở nước ngoài hoặc tư vấn giới thiệu việc làm sau khi về nước cho khoảng 16 nghìn lượt lao động.
Với con đường XKLĐ, nhiều lao động người DTTS đã có nguồn thu nhập khá, ổn định trong thời gian ở nước nước ngoài. Đi làm việc ở nước ngoài cũng đã giúp họ tích lũy được kinh nghiệm lao động, sản xuất tiên tiến; đồng thời “gia cố” thêm quyết tâm vươn lên giàu từ con đường ‘đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Anh Hoàng Văn Lập, dân tộc Thái, ở xã Xuân Lệ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) là một ví dụ. Đầu năm 2022, Lập về nước sau 5 năm làm việc tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh vừa học vừa làm. Quãng thời gian làm việc trong lĩnh vực xây dựng có yêu cầu kỹ thuật cao (chống thấm nước) ở Nhật Bản, Lập không chỉ có trong tay vốn liếng khoảng 700 triệu đồng mà còn tích lũy được kỹ năng của một lao động có trình độ cao. Lập đang mong muốn được quay lại Nhật làm việc để tích lũy thêm tài chính và kinh nghiệm, với mong ước sau này về quê khởi nghiệp.
Ý tưởng “đi làm thợ, về khởi nghiệp” như anh Hoàng Văn Lập ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong tư duy của lao động người DTTS. Thực tế cho thấy, nhiều lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài trở về đã thay đổi nhận thức và tư duy, từ đó thay đổi cách thức tổ chức cuộc sống. Thay vì chỉ làm nông tại các bản làng, sau khi trở về, nhiều lao động có kỹ năng nghề, có vốn đã mạnh dạn dầu tư sản xuất kinh doanh tại quê hương hoặc đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định trong các doanh nghiệp.
Đây cũng là mục tiêu đã được xác định khi thực hiện chính sách hỗ trợ lao động người DTTS đi XKLĐ. Ngay từ khi ban hành chính sách hỗ trợ, Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29/4/2009 đã đặt rõ mục tiêu của chính sách là góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động người DTTS; đồng thời nâng cao chất lượng lao động, thực hiện giảm nghèo bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cùng với các giải pháp khác, chính sách hỗ trợ XKLĐ đã “thúc” quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Số liệu trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 cho thấy, tại thời điểm năm 2018, trong các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi chỉ còn 4 tỉnh/thành phố có cơ cấu nông lâm nghiệp – công nghiệp – dịch vụ; 11 tỉnh/ thành phố có cơ cấu công nghiệp – dịch vụ - nông lâm nghiệp; có hơn 30 tỉnh/thành phố có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông lâm nghiệp…
Mặc dù lợi ích từ XKLĐ đã thấy rõ, nhưng thực tế hiện nay, số lượng lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa nhiều. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện để làm tốt hơn công tác này, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 28/1/2022 của Chính phủ.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.