Nhiều quy định ràng buộcTheo Nghị định 61/2015/CP về quy định chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, người lao động (LĐ) được hỗ trợ vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài, được ghi trong hợp đồng. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người vay phải có tài sản bảo đảm. Đây là quy định để người LĐ có trách nhiệm với khoản vay và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, nhiều LĐ thuộc diện hộ nghèo có nhu cầu đi làm việc ở những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức chi phí cao, nhưng lại không có tài sản để thế chấp.
Đối với các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng XKLĐ, dù đã được cấp giấy phép hoạt động, nhưng từ giữa năm 2016 đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) yêu cầu, doanh nghiệp khi tuyển dụng người đi làm việc ở nước ngoài phải có công văn của Bộ, trong đó nêu rõ, số lượng người, đất nước, nơi đến làm việc. Chính quy định này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn cho LĐ nghèo đi XKLĐ. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi có 418 người tham gia XKLĐ. Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, chỉ có 52 người vay vốn theo Nghị định 61/CP, Quyết định 71 và Quyết định 365 của Chính phủ.
Đầu tháng 10/2017, huyện miền núi Sơn Hà đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng CSXH-Chi nhánh Quảng Ngãi kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong vay vốn đối với LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, nêu cụ thể 5 trường hợp: Đinh Văn Hiếu, Đinh Văn Sơn, Trần Thị Mỹ Hạnh, Trần Mạnh Đông (xã Sơn Thượng) và Nguyễn Hồng Quốc Phong (thị trấn Di Lăng) thuộc diện hộ nghèo, đồng bào DTTS, không được vay vốn để đóng các chi phí trước khi xuất cảnh.
Cần sớm tháo gỡTheo các DN tham gia tuyển dụng XKLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, việc Bộ yêu cầu các DN khi tuyển dụng và đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải có công văn từng đợt, trong đó quy định số lượng, nơi đến làm việc. Nếu không được cấp “công văn từng đợt” có nghĩa là, DN dù có phép hoạt động trong lĩnh vực này cũng khó được xem là đủ điều kiện giúp người LĐ vay vốn của ngân hàng chính sách để chi phí xuất cảnh.
Qua tìm hiểu tại một số huyện, qua ý kiến của lãnh đạo huyện và cơ quan chuyên ngành đều cho rằng, đây là một quy định gây khó khăn cho công tác XKLĐ. Vì quy định này mà không ít người LĐ cư trú tại các huyện nghèo mất cơ hội XKLĐ. Ông Hà Dương Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH cần thống nhất với Ngân hàng CSXH Việt Nam sửa đổi quy định hiện nay, chỉ cần có “phiếu trả lời đăng ký hợp đồng cung ứng lao động của Cục Quản lý lao động nước ngoài” là đủ điều kiện cho vay. Nếu trong trường hợp không điều chỉnh đơn giản theo đề xuất nêu trên, Bộ cần giới thiệu DN có chức năng XKLĐ kịp thời về huyện nghèo để tuyển dụng LĐ, đáp ứng nhu cầu của người dân và chính quyền địa phương.
Được biết, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo quyết định về tín dụng đối với người LĐ vay XKLĐ. Theo dự thảo, đối tượng và điều kiện được vay vốn là người LĐ cư trú hợp pháp tại huyện nghèo, huyện thoát nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được UBND xã xác nhận; có hợp đồng đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với chủ sử dụng người nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành.
ĐẠT THÀNH NHÂN