Trao cơ hội kinh doanh
Việt Nam là một trong số các quốc gia trên thế giới, đã và đang tham gia nhiều công ước về bình đẳng giới và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bình đẳng giới được thể hiện rõ nét ở vai trò kinh tế của phụ nữ DTTS, ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội.
Với sự hỗ trợ từ nhiều phía, những tấm gương phụ nữ DTTS vượt khó, khởi nghiệp thành công ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Thành công của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, quay trở lại làm thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Trường hợp chị Sùng Y Múa, sinh năm 1984, dân tộc Mông, ở xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) là một ví dụ. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành y sỹ, chị Múa về lại Hang Kia - nơi từng được mệnh danh là “thánh địa ma túy”. Bên cạnh đó, nhiều quan điểm lạc hậu cũng bủa vây người phụ nữ như phụ nữ sinh nở tại nhà, ngoài gọi y sĩ đến đỡ đẻ, bà con còn mời cả thầy cúng đến nhà trong lần vượt cạn.
Bởi vậy, chị Múa quyết tâm phải làm cái gì để tuyên truyền bà con xóa bỏ các hủ tục. Nhận thấy phát triển du lịch sẽ giúp chị em DTTS học hỏi được nhiều điều, tiếp cận vào giao lưu với nhiều cái mới, để thay đổi cuộc sống nên chị đã tìm tòi, phát triển mô hình du lịch trải nghiệm homestay.
Hiện mô hình Homestay Y Múa của gia đình chị đã tạo việc làm cho hàng chục người trong bản, góp phần thay đổi nhận thức, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đưa Hang Kia từ một điểm nóng ma túy trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng; đồng thời giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa người Mông ở Hang Kia.
Chị Múa cũng như những tấm gương phụ nữ DTTS vượt định kiến giới, khởi nghiệp khởi sự thành công là minh chứng sống động cho kết quả từ những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới của Chính phủ. Nỗ lực này xuất phát một phần quan trọng từ các chương trình, đề án, dự án về bình đẳng giới, thúc đẩy tra quyền cho phụ nữ được triển khai hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đặc biệt, từ Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS” giai đoạn 2018-2021, theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017, với nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực đã giúp nâng cao được vai trò, vị thế và thu nhập trong đời sống xã hội của phụ nữ DTTS (gọi tắt là Đề án 1898).
Theo báo cáo sơ kết Đề án 1898, sau 4 năm thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong đề án, đã góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia vào các ngành công nghiệp, dịch vụ đã tăng lên, số lao động là nữ DTTS trong ngành nông, lâm nghiệp giảm dần. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định phụ nữ DTTS đã từng bước “ly nông”, hội nhập vào xu thế chuyển dịch lao động chung.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”
Theo bà Lê Quỳnh Lan, cán bộ Quản lý kỹ thuật Chương trình giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập (Tổ chức Plan), để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống, thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ là rất quan trọng. Khi người phụ nữ nắm quyền kinh tế trong gia đình, họ sẽ có quyền đưa ra quyết định.
“Để nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái DTTS cần tính tới nhu cầu và hạn chế của họ. Trước tiên, tạo hệ thống thông tin thị trường lao động thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái DTTS; hỗ trợ kinh doanh trực tuyến như: du lịch sinh thái, bán hàng thủ công mỹ nghệ, nông, lâm sản…; tạo cơ hội kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật”, bà Lan khuyến nghị.
Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam là cơ quan được giao chủ trì, tổ chức thực hiện dự án này.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Dự án 9 được thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình, tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội... Mục tiêu của các hoạt động, là nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS, thực hiện thắng lợi các mục tiêu về bình đẳng giới, thì việc huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế là rất cần thiết. Đơn cử như Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS tại Việt Nam” (AWEEV) do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đã được khởi động từ đầu năm 2022.
Đây là dự án nhằm mục tiêu tăng cường phúc lợi kinh tế cho phụ nữ DTTS tại Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy việc thực hiện quyền kinh tế, tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế được trả công; đồng thời tăng cường tiếng nói và năng lực lãnh đạo của chính phụ nữ DTTS, trong các quyết định liên quan đến hoạt động kinh tế hộ gia đình, các hoạt động sinh kế và sản xuất kinh doanh. Việc tăng phúc lợi kinh tế và chất lượng cuộc sống sẽ góp phần giảm tình trạng nghèo của phụ nữ DTTS và gia đình của họ.
Tại hội thảo khởi động dự án này được tổ chức ngày 2/3/2022, bà Lê Kim Dung, Giám đốc quốc gia Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, khẳng định: Với cách tiếp cận tổng thể và đa chiều, CARE kỳ vọng dự án sẽ trực tiếp đóng góp cho việc thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; thấy rõ hơn vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS nói riêng và phụ nữ nói chung. Sự hợp tác đa phương này dựa trên lợi thế cạnh tranh của mỗi đối tác để theo đuổi mục tiêu chung cải thiện phúc lợi kinh tế và vị thế của phụ nữ DTTS.
Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là một trong 10 dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Dự án được thiết kế chú trọng 4 nội dung:
(1) Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;
(2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em;
(3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số;
(4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.