Vừa qua (18/6/2021), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam, Tập đoàn Microsoft Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Lễ ra mắt chính thức Nền tảng học trực tuyến www.congdanso.edu.vn thuộc Dự án “Tăng cường cơ hội tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2021.
Dự án này là một phần của sáng kiến Kỹ năng Toàn cầu (GSI) do Microsoft khởi động vào năm 2020. Mục tiêu của Dự án là, giải quyết những thách thức đang gia tăng đối với vấn đề việc làm, trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam nhấn mạnh: Đại dịch Covvid-19 ở Việt Nam trong những tháng qua, đã làm trầm trọng nỗi khó khăn của những người lao động di cư và đẩy họ chuyển từ lao động có việc làm chính thức sang lao động phi chính thức. Dư chấn tác động của đại dịch Covvid-19 đối với những người lao động này, sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài do cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và toàn cầu.
“Do vậy, nền tảng học tập kỹ năng số này mới chỉ là một bước khởi đầu... và mong rằng nền tảng này sẽ được phổ biến đến được với nhiều người dân, sinh viên, học sinh, người lao động, nhóm yếu thế...”, bà Park Mihyung khẳng định.
Nền tảng học tập trực tuyến này là một đóng góp quan trọng vào việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020, về việc đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động trẻ nói riêng và công dân Việt Nam nói chung. Trong giai đoạn thí điểm, nền tảng hướng đến 3.000 lao động di cư và sinh viên học nghề tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Tại Lễ ra mắt, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước và xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, nòng cốt phải có con người số. Điều này đặt ra yêu cầu cho giáo dục nghề nghiệp không những đào tạo mới chất lượng cao, mà còn là việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng cho người lao động. Từ đó, giúp họ thích nghi với công nghệ mới hoặc đối phó với mất nghề, chuyển nghề do tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4…
“Nền tảng này cần được sự tham gia, đón nhận của đông đảo lực lượng lao động. Trong tương lai, chúng ta tiếp tục phát triển các nội dung đào tạo, bồi dưỡng tiến tới sự công nhận của Microsoft để người lao động được chấp nhận bởi thị trường lao động quốc tế”, ông Bình nhấn mạnh.
Sau 1 năm triển khai sáng kiến Kỹ năng Toàn cầu, tính đến đầu năm 2021, Microsoft đã giúp được hơn 30 triệu người tại 249 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiếp cận được các kỹ năng số, trong đó hơn 60.000 người đến từ Việt Nam.