Cùng dự buổi làm việc, có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Theo đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 16 đề ra, 12 trong số 15 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết đại hội, có nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu ở mức cao, cơ bản đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, với chủ đề “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc", tỉnh Tuyên Quang đã đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt hơn 8%. Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa hơn 27%; có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó có bằng, chứng chỉ 30%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2 đến 2,5%/năm.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về sự thay đổi lớn lao, phát triển toàn diện của Tuyên Quang so với 10 năm trước, khi ông lên đây trao quyết định công nhận thị xã Tuyên Quang là đô thị loại 3. Tuy nhiên, Thủ tướng đặt ra câu hỏi lớn là “Bao giờ Tuyên Quang hết nghèo, tự cân đối được ngân sách” và làm gì để phát triển, không còn là tỉnh nghèo.
Thủ tướng khẳng định, trong quá trình đó, Trung ương có sự hỗ trợ cần thiết đối với vùng chiến khu cách mạng. Trước mắt, tỉnh cần sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống với chương trình hành động, cách làm quyết liệt, cụ thể, đồng bộ.
Theo Thủ tướng, trong kháng chiến, nhắc tới Tuyên Quang, nhiều người sẽ nhớ tới chiến khu Tân Trào, đặc biệt là cây đa Tân Trào, biểu tượng cách mạng của “Thủ đô giải phóng”. Ngày nay, Tuyên Quang cần định vị sắc nét hơn nữa lợi thế và sức hấp dẫn đặc trưng về phát triển kinh tế của tỉnh mình, nhất là kinh tế rừng.
Thủ tướng nêu rõ, Tuyên Quang phấn đấu đi đầu đóng góp vào “vì một Việt Nam xanh”. Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước, là một điển hình khác về năng lực thoát nghèo, cải thiện sinh kế bền vững, một xã hội khá giả, người dân có cuộc sống sung túc nhờ biết tối ưu hóa tài nguyên rừng cho phát triển kinh tế. Kinh tế rừng là một mũi rất quan trọng của tỉnh Tuyên Quang. Tuyên Quang là một trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ rừng che phủ, đây là cơ sở tiền đề tạo lợi thế cho Tuyên Quang phát triển mô hình kinh tế xanh.
“Tỷ lệ che phủ rừng là quan trọng nhưng chất lượng rừng quan trọng không kém. Sáng nay chúng ta không trồng keo lá tràm mà trồng chò chỉ trên quả đồi mấy ha như vậy, có phải là hướng đi gỗ lớn hiệu quả cao, bảo vệ môi trường tốt không?”, Thủ tướng nhắc lại sự kiện sáng cùng ngày, ông dự Lễ phát động Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" và hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 của tỉnh Tuyên Quang.
Thủ tướng nhấn mạnh, với món quà thiên nhiên mà Tuyên Quang có được, chúng ta có niềm tin người dân làm giàu được từ rừng. “Tuyên Quang phải làm được điều này và tôi tin Tuyên Quang có thể làm được vì các kinh nghiệm và kết quả vừa qua”, Thủ tướng nói và cho biết năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kinh tế rừng, xuất khẩu gỗ rừng trồng của Việt Nam vẫn tăng, đạt gần 13 tỷ USD và đang phấn đấu trong thời gian ngắn phải đạt 25 tỷ USD từ rừng trồng. Tiềm năng tăng trưởng của ngành là rất lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho chúng ta.
Thủ tướng yêu cầu, Tuyên Quang cần tập trung nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm gỗ có năng lực cạnh tranh quốc tế thể hiện ở khả năng xuất khẩu, từ nghiên cứu và phát triển đến xây dựng thương hiệu, thiết kế, sản xuất phân phối, marketing, bán hàng, dịch vụ bán hàng… Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên biệt, trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư hạ tầng trọng yếu như giao thông, viễn thông, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phục vụ trực tiếp nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất của các nhà đầu tư, lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm cơ sở.
Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục của nước ta cũng như Tuyên Quang cần giáo dục ý thức, đặc biệt cho lớp trẻ về bảo vệ rừng, ý thức trồng cây, bảo vệ môi trường “Vì một Việt Nam xanh”; phát triển TP. Tuyên Quang thành trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển đô thị hai bên bờ sông Lô, tránh manh mún, nhỏ lẻ cùng với phát triển các đô thị khác; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số...
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến đối với các kiến nghị của Tuyên Quang. Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành Trung ương chủ động phối hợp tỉnh, từng bước tháo gỡ nhằm hiện thực hóa các chương trình, mục tiêu, kế hoạch, để Tuyên Quang phát triển, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Tuyên Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác đã dâng hương tại đình Tân Trào và Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương); thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Cơ, ở tổ 8, phường Tân Quang; ông Nguyễn Đình Phủng, cán bộ bị địch bắt tù đày thời kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1953, ở tổ 5, phường An Tường (TP. Tuyên Quang).