Ở bến Thượng lưu thủy điện Bản Vẽ thuộc xã Yên Na, đã có nhiều lồng bè nuôi cá cho thu nhập khá và ổn địnhThoát nghèo nhờ nuôi cá lồng
Con đường bê tông dài gần 1km dẫn chúng tôi xuống bến thượng lưu đập thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Từ trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà nổi làm bằng gỗ xen kẽ những lồng bè nuôi cá xếp quanh ôm trọn, in bóng trên mặt hồ nước xanh ngắt.
Hàng chục năm qua, nơi đây là điểm mưu sinh, đi - đến của rất nhiều người dân địa phương. Hơn 20 năm trước, khi thủy điện Bản Vẽ được ngăn dòng, hàng nghìn hộ dân lòng hồ đã nhường đất cho thủy điện, đến sinh sống tại các khu tái định cư trên địa bàn. Tuy nhiên, việc làm nương rẫy không đủ để cuộc sống người dân "bứt" lên nên nhiều người vẫn dựng lán trại để chăn nuôi bò, lợn, gà, sau này là nuôi cá lồng ở khu vực lòng hồ.
Trong căn nhà nổi làm bằng gỗ của vợ chồng ông Lương Văn Thắng (SN 1962) và bà Lô Thị Hoàn (SN 1960, trú bản Vẽ, xã Yên Na) được dựng khá chắc chắn, bên trong có đầy đủ bàn ghế, giường, tủ, tivi... Nhưng ít ai biết rằng có được cơ ngơi như ngày hôm nay vợ chồng ông đã trải qua biết bao nhiêu gian khó.
Ngồi bên bếp lửa trong tiết trời se lạnh miền Tây xứ Nghệ, bà Hoàn kể với chúng tôi, năm 2005 gia đình bà chuyển ra lòng hồ để dựng nhà nổi thuận tiện cho việc chài lưới mưu sinh. Thời điểm bắt đầu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Với 4 lồng, mỗi năm gia đình ông Lương Văn Thắng thu về khoảng 80 – 100 triệu đồng.Sau một thời gian, vợ chồng vay mượn sắm thêm chiếc thuyền máy nhỏ để chở khách, người dân vào sâu trong lòng hồ khi có nhu cầu. Nhờ sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, gia đình có của ăn của để, nuôi con cái ăn học nên người.
Từ năm 2018, UBND huyện Tương Dương có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè hồ thủy điện. Nắm bắt cơ hội, vợ chồng ông đăng ký 4 lồng cá, mỗi lồng ông được địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng.
Để tiện bề chăm sóc và bảo vệ, các lồng cá được kết lại xung quanh nhà nổi, rồi ông đầu tư mua các loại cá giống như: cá leo, cá trắm, cá tràu… thả mỗi lồng hàng trăm con. Ông bà bắt tay mày mò, học hỏi kinh nghiệm nuôi các loài cá để làm sao có hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thắng cho biết “Nuôi cá trên lòng hồ không mất nhiều công sức, không phải mua thức ăn nên ít chi phí. Gia đình lại làm nghề chài lưới đánh bắt cá mương về làm thức ăn cho cá leo, còn các loại cá khác thì lấy cỏ voi và các loại rau rừng nên nguồn thức ăn sẵn có”.
“Nhờ mặt hồ nước sạch nên hàng tạ cá của ông lớn nhanh. Sau gần 1 năm nuôi, những con cá có trọng lượng từ 5 - 6kg. Nhờ chất lượng cá lồng tươi ngon, thịt dai, thơm nên giá bán cho các thương lái trên dưới 100.000 đồng/kg”, bà Hoan vui vẻ tiếp lời.
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đang là nghề cho thu nhập ổn định Với 4 lồng, mỗi năm gia đình ông Thắng thu về khoảng 80 – 100 triệu đồng. Nhờ vậy kinh tế ngày càng phát triển khấm khá.
Ở bến thượng lưu, ngoài vợ chồng ông Thắng còn rất nhiều gia đình cũng nuôi cá lồng và có thu nhập cao. Nhiều hộ chia sẻ, so với làm rẫy, đi rừng thì việc nuôi cá ổn định hơn. Ngoài ra, một số hộ còn tận dụng nhà nổi để kinh doanh thêm dịch vụ gửi xe, bán hàng tạp hóa, quán ăn…
Chúng tôi tiếp tục ngược lòng hồ Bản Vẽ đầy thơ mộng giữa núi rừng hùng vĩ, dọc 2 bên lòng hồ hàng chục hộ dân cũng đang tận dụng mặt nước để nuôi cá lồng, chăn nuôi trâu bò, lợn gà trên những sườn núi.
Cách bến thượng lưu hàng chục km, gia đình ông Lô Văn Hùng (SN 1974, trú xã Hữu Khuông) có 8 lồng để nuôi cá các loại cá trắm, cá leo, cá ghé… Đây đều là những loại cá có giá trị kinh tế, được thị trường ưa chuộng.
"Trước kia tôi cùng nhiều hộ dân nơi đây chủ yếu đánh bắt cá trực tiếp tại lòng hồ nên sản phẩm thu về lúc có, lúc không. Sau khi chuyển sang nuôi cá lồng, nguồn thu nhập dần dần ổn định hơn”, ông Hùng cho biết.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Khuông - ông Cụt Văn Pèng cho biết thêm, địa phương nằm giữa núi rừng, biệt lập với bên ngoài. Cuộc sống của bà con nơi đây đều phải tự cung tự cấp. Sau khi được nhà nước hỗ trợ, chính quyền địa phương khuyến khích, nhiều hộ dân bắt tay vào nuôi cá lồng đã đem lại năng suất và hiệu quả cao hơn.
“Nước hồ thủy điện rất sạch, nhiều loài sinh vật phù du nên cá phát triển giống như sống ngoài tự nhiên. Nguồn thức ăn người dân tự kiếm được, không phải mua nên đỡ một phần chi phí. Nhờ đó nhiều gia đình đã thoát được cái đói, cái nghèo”, ông Cụt Văn Pèng phấn khởi nói.
Những lồng cá nằm rải rác trên thủy trình từ bến Thượng lưu xã Yên Na và xã Hữu KhuôngTạo sinh kế bền vững
Nằm biệt lập trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Hữu Khuông là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện Tương Dương khoảng 70 km, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại hết sức khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, Lô Văn Giáp thông tin, toàn xã có 653 hộ với hơn 2.800 nhân khẩu phân bố ở 7 thôn bản; gồm 3 dân tộc anh em sinh sống (dân tộc Thái, Khơ mú, Mông), trình độ dân trí không đồng đều. Hiện nay có 488 hộ nghèo (chiếm 74,73 %); hộ cận nghèo 63 hộ (chiếm 9,64%).
Đời sống bà con chủ yếu tự cung tự cấp như làm nông, thu lâm sản phụ, trồng lúa rẫy..., những năm trở lại đây thì phát triển nuôi cá lồng ở lòng hồ.
Toàn xã có 114 lồng nuôi với khoảng 60 hộ dân. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản đạt 65 tấn trong năm 2024 (trong đó sản lượng khai thác đạt 25 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 40 tấn). Nhờ chất lượng cá tươi ngon nên thu hoạch đến đâu có thương lái mua đến đó, người dân không phải lo lắng về đầu ra.
"Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, giúp họ tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo trên địa bàn”, ông Giáp chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, trên địa bàn huyện có gần 7.000ha mặt nước lòng hồ, đặc biệt có 2 thủy điện lớn là Bản Vẽ và Khe Bố. Đây là một trong những lợi thế để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản.
Toàn huyện Tương Dương có hơn 540 lồng cá các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Na, Hữu Khuông và Lượng Minh. Bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25 - 30 triệu đồng/nămSau 3 năm thực hiện “Đề án phát triển thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025”, đến nay toàn huyện có hơn 540 lồng cá các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Na, Hữu Khuông và Lượng Minh. Bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25 - 30 triệu đồng/năm. Từ đó, tạo sinh kế góp phần nâng thu nhập cho bà con, nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ nuôi cá đã thoát nghèo.
Để kiểm soát, bảo vệ các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hiệu quả, huyện Tương Dương đã tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân khu vực lòng hồ không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ mang tính hủy diệt.
Có thể thấy rừng, hiệu quả từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã từng bước mở ra hướng đi mới góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân huyện miền núi Nghệ An.
“Việc khai thác mặt nước tại lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã tiếp tục tăng cường phát triển mô hình này.
Bên cạnh đó chú trọng công tác quy hoạch và rà soát định kỳ số lượng lồng nuôi trên địa bàn, tránh tình trạng nuôi cá lồng tự phát, thiếu quy hoạch. Đảm bảo khoảng cách giữa các lồng nuôi tối thiểu từ 15 – 20m để không làm giảm tốc độ dòng chảy và hạn chế ô nhiễm nguồn nước...”, ông Hiến nói.