Đầu năm 2017, Khánh Thuận còn 923 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,73% tổng số hộ toàn xã, cận nghèo chiếm 2,46% với 79 hộ. Nhưng hết năm 2017, toàn xã chỉ còn 659 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo, giảm lần lượt 8,22% hộ nghèo và 0,47% hộ cận nghèo.
Một trong những lý do giúp Khánh Thuận giảm nghèo nhanh là nhờ người dân không ỷ lại, không muốn bị nghèo và luôn chăm chỉ để vươn lên thoát nghèo. Được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, bà con nơi đây đã quyết tâm làm kinh tế, khi gia cảnh đã đỡ hơn, bà con xin trả sổ hộ nghèo để nhường cho người khác có thêm điều kiện vươn lên.
Như trường hợp ông Nguyễn Văn Quyền ở ấp 1, là thương binh hạng 4/4. Nhà chỉ có 7 công đất nhưng có 6 người con; cái ăn có thể đắp đổi qua ngày nhưng ông không thể xoay đâu ra tiền để xây nhà kiến cố, đành phải ở trong căn nhà tạm bợ bao năm nay.
Giữa năm 2017, chính quyền địa phương đã vận động được 50 triệu đồng hỗ trợ ông Quyền làm nhà. Từ ngày có nhà ở và con cái có công ăn việc làm ổn định, gia đình ông Quyền tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Hay trường hợp ông Võ Phát Nguyên, sinh năm 1952, một hộ nghèo của xã Khánh Thuận. Nhờ được vay vốn tín chấp từ Ngân hàng CSXH huyện, ông Nguyên có tiền mua tôm giống thả nuôi. Sau hai vụ tôm trúng, ông Nguyên trả được hết nợ đã vay mượn bên ngoài; tháng 12/2017, gia đình ông đã xin trả lại sổ hộ nghèo cho xã. Theo ông Nguyên, gia đình có đất đai đàng hoàng nhưng mang tiếng nghèo, bản thân mặc cảm. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình đã cố gắng vươn lên, trả sổ hộ nghèo để chính quyền chăm lo cho hộ khác.
Theo Bí thư Ðảng ủy xã Khánh Thuận Lê Hồng Thịnh, nhân dân nơi đây chăm chỉ lao động nhưng vẫn nghèo là do hoàn cảnh (bệnh tật, tai nạn giao thông) và do thiếu vốn sản xuất. Người dân rất có “sĩ diện”, không ai muốn nghèo, song với sự trợ sức từ các chính sách giảm nghèo, việc giúp dân thoát nghèo là trong tầm tay.
TÙNG NGUYÊN