Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 28.600.150 ca nhiễm COVID-19, trong đó 507.535 ca tử vong vì dịch bệnh. Xét theo khu vực, châu Âu, Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì đại dịch. Tiếp đến là châu Á, Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (75.458 ca); Brazil (51.067 ca); Pháp (24.116 ca); Italy (15.479 ca); Ấn Độ (14.587 ca); Nga (13.433 ca); Anh (12.027 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Mỹ (2.217 ca); Brazil (1.345 ca); Mexico (1.047 ca); Anh (533 ca); Nga (470 ca); Phaps (409 ca)…
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 32.902.280 người, với 786.467 ca tử vong. Hết ngày 19/2, châu lục này ghi nhận đã có thêm 149.065 ca nhiễm mới và 3.918 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.139.031 ca mắc COVID-19 và 82.396 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 19/2, nước này ghi nhận 13.433 ca nhiễm mới và 470 ca tử vong mới.
Số ca lây nhiễm tại Anh cũng gần bằng Nga, nhưng số ca tử vong cao hơn nhiều với 119.920 ca. Pháp và Tây Ban Nha đều đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm trong khi Italy và Đức hơn 2,3 triệu ca. Các nước Ba Lan, Ukraine, CH Séc và Hà Lan đều có hơn 1 triệu ca nhiễm.
Châu Á đã có tổng cộng 24.365.752 ca nhiễm và 389.972 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 68.201 ca mắc và 923 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 22.920.568 ca được điều trị khỏi; 1.055.212 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 22.028 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 19/2, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 14.587 ca mắc mới và 117 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 10.976.776 ca và 156.240 ca. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 2,6 triệu ca nhiễm; Iran và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại ASEAN, khu vực này có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 15.965 ca mắc mới và 354 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.261.140 người mắc COVID-19, trong đó 50.362 ca tử vong.
Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng vì dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực. Ngày 19/2, Indonesia ghi nhận có thêm 10.614 ca mắc mới COVID-19 và 183 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.263.299 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 34.152 ca tử vong.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 90.553 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 32.778.010 ca, tổng số người tử vong là 732.821 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 22.218.549 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.022.662 ca nhiễm và 178.108 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 17.295.238 ca nhiễm; 451.212 ca tử vong và 15.650.037 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 10.081.693 ca nhiễm, trong đó 244.955 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, French Polynesia và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 6 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 28.918 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Tại New Zealand, nước này ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tóng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này là 2.348 người. Số ca tử vong tại New Zealand tính tới thời điểm này là 26 ca. French Polynesia ghi nhận thêm 11 ca mắc mới và 1 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên 18.346 ca và 137 ca.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 3.834.290 ca mắc COVID-19, trong đó 100.847 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.500.677 trường hợp, trong đó 48.859 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.911 ca mắc mới COVID-19 và 151 ca tử vong vì đại dịch. Khu vực Nam Phi chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tính về số ca nhiễm, tiếp đến là khu vực Bắc Phi.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngăn ngừa COVID-19, hãng Johnson & Johnson ngày 19/2 đã trình Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa bệnh COVID-19 do hãng sản xuất. Johnson & Johnson cho biết đây là điều kiện tiên quyết để có thể cung cấp vaccine cho cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do WHO khởi xướng cùng với Liên minh vaccine toàn cầu (Gavi) nhằm hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo và có thu nhập trung bình. Tháng 12/2020, hãng đã thỏa thuận hỗ trợ chương trình này. Johnson & Johnson và Gavi hy vọng đạt một thỏa thuận tăng cường, cho phép cung cấp tới 500 triệu liều vaccine loại tiêm một liều này cho cơ chế COVAX trong năm 2022.
Vaccine của Johnson & Johnson là loại chỉ tiêm một liều duy nhất và có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường. Đây chính là một ưu điểm lớn đối với các nước có cơ sở hạ tầng y tế tương đối yếu kém. Hiện vaccine của hãng đang được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm của Mỹ (FDA) đánh giá và dự kiến đưa ra quyết định vào tuần tới.
Cùng ngày, tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) do Anh tổ chức, Liên minh châu Âu (EU) thông báo tăng gấp đôi quỹ ủng hộ cơ chế phân phối vaccine công bằng COVAX do Liên hợp quốc khởi xướng nhằm đảm bảo vaccine đến được các quốc gia nghèo hơn. Cụ thể, quỹ của EU sẽ tăng lên 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD). EU cũng cam kết tăng thêm 100 triệu euro ủng hộ cuộc chiến chống COVID-19 tại châu Phi.
Trong khi đó, phát biểu tại họp báo trực tuyến của WHO cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chương trình COVAX đã sẵn sàng khởi động. Khoảng 336 triệu liều vaccine của AstraZeneca-Oxford và 1,2 triệu liều của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới các nước trên thế giới vào cuối tháng 2 thông qua sáng kiến này. WHO đang đợi các nhà sản xuất vaccine thực hiện đúng cam kết của mình./.