Gặp ông tại Hà Nội nhân sự kiện Lễ Tuyên dương với tâm thế phấn khởi, tự hào khi những đóng góp của mình được ghi nhận, biểu dương. Già làng Ating Cao Tin kể với chúng tôi: Sông Kôn là xã khó khăn của huyện Đông Giang với dân số gần 3000 người, có 5 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó đồng bào dân tộc Cơ-tu chiến 85% dân số toàn xã. Ông sinh ra ở thôn Bút Nhót, xã Sông Kôn trong chiến tranh chống Pháp, lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ. Ông từng theo cách mạng từ nhỏ. Năm 18 tuổi, ông được cử đi học lớp sơ cấp về nghề y và trở thành một y tá thôn bản, đi khắp các xã vùng cao khó khăn ở huyện Đông Giang, tham gia gùi hàng theo các đoàn dân công hỏa tuyến dọc những tuyến đường Trường Sơn. Hòa bình lập lại, ông về quê tham gia chính quyền. Năm 1975 ông tốt nghiệp Trường Trung cấp y hệ chính quy. Ông nguyên là Phó phòng Y tế, Bệnh viện huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang).
Trước đây, đồng bào Cơ-tu ở vùng núi cao Đông Giang cứ có người ốm đau thì đồng bào làm Lễ cúng Giàng. Bệnh nhẹ thì giết một con gà, bệnh nặng thì phải làm thịt cả con lợn để cúng. Nhưng từ nhiều năm nay đã không còn diễn ra hủ tục mời thầy cúng nữa bởi vì đã có già làng Ating Cao Tin chữa bệnh cho đồng bào. Mặc dù đã nghỉ công tác nhiều năm nay, nhưng già làng Ating Cao Tin đã mở một phòng khám nhỏ chuyên khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào. Những bệnh nhân đến khám tại phòng khám, ông chỉ lấy tiền thuốc Tây, những bệnh nhẹ ông hướng dẫn bà con sử dụng các loại lá rừng theo bài thuốc truyền thống của người Cơ-tu. Những ca bệnh nặng thì ông sơ cứu rồi đề nghị người nhà đưa xuống bệnh viện, bệnh nhẹ thì ông khám rồi kê đơn thuốc.
Mặc dù đường sá xa xôi, cách trở nhưng chỉ cần người nhà bệnh nhân đến nhờ là ông vác túi thuốc đến tận nhà thăm khám. Có khi ông đi bộ hàng chục cây số đến các bản làng xa xôi nhất để khám bệnh cho bà con. Ông khoe, từng cứu chữa được 12 ca sốt rét ác tính không cần chuyển viện và đỡ đẻ thành công cho 18 ca khó tại nhà, được Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khen ngợi.
Ông còn thường xuyên vận động bà con thực hiện ăn chín, uống sôi, sinh hoạt hợp vệ sinh, ông phải đi bộ nhiều ngày liền vào các thôn bản cùng ăn, cùng ở với người dân, hướng dẫn, thuyết phục bà con làm theo.
Nở nụ cười phúc hậu, hiền lành, già làng Ating Cao Tin chia sẻ: “Nếu còn đủ sức khỏe để khám bệnh cho bà con trong vùng thì tôi sẽ còn duy trì phòng khám. Là người Cơ-tu, tôi hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà con vùng cao, nơi mà dịch vụ y tế còn rất khó khăn”. Ông bảo rằng, ông đã có lương hưu, cũng đủ sống, chứ bà con làm gì có tiền mà lấy tiền khám bệnh.
Cuộc sống của người dân xã Sông Kôn những năm gần đây đã có nhiều đổi thay, nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe cũng được nâng cao. Nhiều hủ tục lạc hậu ngày trước đã bị đẩy lùi. Vừa khám chữa bệnh, già làng Ating Cao Tin còn là người tâm huyết truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ và tham gia hòa giải các mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng.
Với những đóng góp của mình, già làng Ating Cao Tin đã được tặng thưởng: Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng; Huy chương Dân sự thế hệ trẻ; Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc… Chỉ tay lên những huân huy chương đeo trên ngực áo, già làng Ating Cao Tin khoe: “Đây là phần thưởng cao quý nhất đối với tôi, đi đâu tôi cũng mang theo”.
Lần đầu tiên được về Hà Nội dự Lễ Tuyên dương, vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; được vào Lăng viếng Bác, thăm Đền Hùng… đối với ông đó là những ký ức đẹp ông không thể nào quên…
Chia tay Hà Nội, ông lại trở về mảnh đất vùng cao gian khó, nơi ông đã từng gắn bó để tiếp tục chữa bệnh cho đồng bào. Hình ảnh người thầy thuốc già đôn hậu chắc chắn sẽ mãi in sâu trong trái tim của đồng bào Cơ-tu…
THANH HUYỀN