Quan tâm phát triển nguồn nhân lực DTTS
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng DTTS và miền núi. Nhiều chương trình, chính sách hiện đang có hiệu lực được triển khai tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có các chính sách trực tiếp cho người DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời có những chính sách chung có ưu tiên cho đối tượng là người DTTS. Hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn nhân lực là người DTTS đã góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục ở vùng DTTS, miền núi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS. Chính vì vậy, giáo dục dân tộc đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng DTTS, miền núi. Ngân sách Nhà nước đã dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng trường, lớp học; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ các em học sinh DTTS khó khăn có điều kiện học tập...
Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đã được xây dựng khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục. Diện mạo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thay đổi. Là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc luôn dành sự quan tâm đối với thế hệ học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS, góp phần đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực DTTS, đóng góp cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS nói riêng và đất nước nói chung.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng DTTS và miền núi nước ta được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường. Các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có lớp mầm non; hầu hết các xã có trường tiểu học ở khu vực trung tâm và trường trung học cơ sở; các huyện đều có trường trung học phổ thông.
Từ các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, đến nay, các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết chỗ ở cho hàng vạn giáo viên (đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long).
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được quan tâm đầu tư, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương, từng bước nâng cao quy mô mạng lưới và chất lượng giáo dục trong các trường chuyên biệt.
Tỷ lệ sinh viên DTTS có việc làm sau khi ra trường còn thấp
Tại các địa phương vùng DTTS và miền núi, đội ngũ cán bộ người DTTS đã khẳng định vai trò nòng cốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Thời gian qua các tỉnh vùng DTTS, miền núi cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dự bị đại học dân tộc dần được nâng lên qua các năm học, đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho các địa phương. Trên 50% học sinh của các trường này thi đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng; 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 20% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, số ít còn lại tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương.
Hiện cả nước có 5 trường dự bị đại học, 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 14 trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề cho con em đồng bào DTTS; hầu hết các xã có trường mầm non, 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở tất cả các cấp học tại các trường chính trị. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ người DTTS gồm các chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng về tin học, ngoại ngữ… Nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ người DTTS được quan tâm cử tuyển đi học chuyên môn, nghề nghiệp ở các trường nội trú, đại học, cao đẳng để trở về xây dựng quê hương.
Hàng năm, đã có hàng ngàn sinh viên, cử nhân, kỹ sư là con em đồng bào DTTS tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác tuyển dụng, sử dụng nhân lực người DTTS sau đào tạo còn hạn chế, bất cập… Do đó, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đặt ra.
Theo số liệu thống kê, đơn cử như tại khu vực Tây Bắc, lực lượng lao động người DTTS 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo thấp hơn so với mức trung bình cả nước và không đồng đều giữa các tỉnh. Ngoài tỉnh Điện Biên và Hòa Bình có sự gia tăng đáng kể lực lượng lao động DTTS đã qua đào tạo, còn lại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu có tỷ lệ thấp hơn rõ rệt. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 10,3% lao động DTTS có việc làm đã qua đào tạo, còn lại đến 89,7% cơ bản chưa được đào tạo, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong số lực lượng lao động DTTS có trình độ kỹ thuật, có 29,3% đã được đào tạo trình độ từ đại học trở lên. Tỷ trọng lao động DTTS có việc làm không có chuyên môn kỹ thuật ở khu vực nông thôn cao gấp 1,2 lần ở khu vực thành thị, tương ứng là 91,2% và 76,8%(5).
Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều con em đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học trên cả nước không thể tiếp cận được việc làm, làm trái ngành trái nghề, hoặc hoạt động trong các lĩnh vực không liên quan tới các ngành học. Cá biệt, có nhiều trường hợp sinh viên DTTS sau khi ra trường đã trở về nhà tiếp tục làm công việc đồng áng. Điều đó đặt ra câu hỏi về một giải pháp để sử dụng nguồn nhân lực này hiệu quả.