Kiêm nhiệm
Năm 2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa thông tin, mỗi năm nước ta phải chi khoảng 76 nghìn tỷ đồng cho hoạt động của bộ máy xóa đói giảm nghèo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH)-cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo quốc gia đã tổ chức họp báo; nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm đã khẳng định: Việt Nam không có bộ máy riêng chuyên trách làm công tác giảm nghèo mà đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị cùng phối hợp thực hiện. Do đó không có ngân sách riêng cho hoạt động này mà đây là kinh phí thường xuyên của bộ máy hành chính hiện có.
Đây là một thực tế khách quan trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo của nước ta từ trước tới nay. Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ đã quy định rõ từng bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp đề xuất các chính sách; hướng dẫn thực hiện; kiểm tra đánh giá về lĩnh vực mình phụ trách đối với công tác giảm nghèo.
Nêu lên như vậy để thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo hiện nay đều kiêm nhiệm. Thực hiện nhiệm vụ theo chức danh công chức văn hóa-xã hội, cán bộ phụ trách theo dõi công tác giảm nghèo phải theo dõi nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ riêng lĩnh vực giảm nghèo.
Vì kiêm nhiệm nên đội ngũ cán bộ phụ trách theo dõi công tác giảm nghèo rất khó “toàn tâm toàn ý” cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, một thực tế phải nhìn nhận là, năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã nói chung, cán bộ phụ trách theo dõi công tác giảm nghèo nói riêng còn nhiều hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới những sai sót trong việc điều tra, rà soát hộ nghèo cũng như một số sai phạm trong triển khai chính sách giảm nghèo trong thời gian qua.
Để đội ngũ cán bộ phụ trách theo dõi công tác giảm nghèo nâng cao trình độ, việc tập huấn, bồi dưỡng là một nội dung được đặc biệt chú ý; đều có trong tất cả các chương trình, dự án giảm nghèo. Hằng năm, các địa phương đều tổ chức các lớp tập huấn về công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ này. Tuy nhiên, chỉ qua một lớp tập huấn ngắn hạn, thì yêu cầu nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo rất khó thực hiện.
Khó hoàn thành nhiệm vụ
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để trở thành một cán bộ làm công tác giảm nghèo tốt, cần đáp ứng được 3 yêu cầu tổng hợp, bao gồm: Nắm được đường lối, chủ trương, chính sách nội dung của chương trình (biết việc); Có kỹ năng thực hiện các công việc cụ thể (có thể làm được việc); Có sự nhiệt tình, tâm huyết với công tác giảm nghèo (tích cực và sáng tạo).
Sơ qua như vậy mới thấy, yêu cầu đối với một cán bộ làm công tác giảm nghèo là vô cùng lớn. Để đáp ứng được dù chỉ là một yêu cầu thôi cũng đã là rất khó khăn.
Đơn cử như yêu cầu “biết việc”, tức là nắm được đường lối, chủ trương, chính sách nội dung của chương trình giảm nghèo; đây quả là một vấn đề không hề dễ dàng. Hệ thống chính sách giảm nghèo của nước ta có thể xem là “đồ sộ”. Tính sơ sơ, các cơ quan từ cấp bộ trở lên đã ban hành 501 văn bản về giảm nghèo, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo; 313 văn bản liên quan gián tiếp đến giảm nghèo.
Trong số 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo có thể phân loại theo 21 nhóm, lĩnh vực hỗ trợ, nhiều nhất là các chính sách điều hành chung (43 văn bản), hỗ trợ về điều kiện sống (42 văn bản), tín dụng (37 văn bản), cơ sở hạ tầng (32 văn bản), đào tạo, bố trí cán bộ, nâng cao năng lực giảm nghèo (28 văn bản), dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động (28 văn bản), giáo dục (30 văn bản). Ít nhất là về tổ nhóm, HTX (4 văn bản), dân tộc rất ít người (6 văn bản)… Để nắm được hết nội dung các văn bản này đối với cán bộ cơ sở quả thực là một bài toán quá khó.
Thực tế, một bộ phận cán bộ xã trưởng thành từ phong trào, được bầu hoặc bổ nhiệm do tinh thần nhiệt tình, phẩm chất đạo đức hơn là kinh nghiệm, kỹ năng làm ăn giỏi. Điều này dẫn tới một thực trạng “trợ giúp chung chung”, chưa có khả năng chuyển giao kiến thức cho hộ nghèo, đặc biệt trong hướng dẫn cách làm ăn, bản thân cán bộ cũng chưa phải là những người làm ăn khá, nên sức thuyết phục đối với hộ nghèo còn hạn chế.
Không phủ nhận, những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo đã lăn lộn tại cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, giao thông cách trở. Để làm được điều này thì ngoài ý thức nhiệm vụ, chức trách thì họ có một “cái tâm” với người nghèo. Nhưng chỉ có điều này thôi thì chưa đạt; cán bộ làm công tác giảm nghèo phải đủ “tầm”, có kiến thức, có năng lực, nhất là khả năng tuyên truyền, tư vấn để đưa chính sách đi vào cuộc sống.
SỸ HÀO