Tình người biển khơi
Ông Dương Văn Quý (SN 1971) nhớ lại: “Khoảng 17h ngày 8/1/2023, tàu cá mang số hiệu KH- 87661TS do tôi làm Thuyền trưởng cùng 9 thuyền viên đang trong quá trình đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa-DK1, thì phát hiện một nam thanh niên ngồi trên phao cứu sinh kêu cứu.
Ngay lúc ấy, trong ông là hàng loạt những dòng suy nghĩ, liệu có bỏ dở dang chuyến đi biển cuối năm với hy vọng của hàng chục con người không? Người đi biển “tranh người” với thủy thần liệu sẽ bị trách phạt thế nào. Hay là lờ đi không nghe thấy tiếng kêu cứu yếu ớt trong gió, không nhìn thấy tấm phao bập bềnh trên sóng của người xa lạ kia?- Ông Quý thú thật với chúng tôi về suy nghĩ của mình lúc đó.
Ông bảo, chỉ trong khoảng 5 phút, ông Quý phải đấu tranh để đưa ra lựa chọn, ông quyết định lệnh cho thuyền viên trên tàu thả neo cứu người. Anh em trên tàu nhanh chóng xác nhận vị trí của người gặp nạn. Ông Quý đã điều khiển phương tiện tiếp cận người bị nạn, cứu vớt và đưa lên tàu, tiến hành chăm sóc, sơ cứu ban đầu. Lúc kéo lên tàu, tay chân nam thanh niên đã tím tái, anh em thuyền viên ngay lập tức phân công nhau, người nấu cháo, người thoa dầu, cứ vài tiếng cho người bị nạn ăn một lần.
Được chăm sóc tận tình, Radin Bambang Irman Acamsyah (sinh năm 2004, quốc tịch Indonesia) dần hồi phục. Người đàn ông này đã kể lại tường tận câu chuyện đau thương của mình: “Chuyến đi biển lần này tôi theo anh em làm thuê cho chủ tàu cá nhưng thường xuyên bị thuyền trưởng đánh đập, nhục mạ. Không chịu nổi, tôi cùng hai ngư dân khác rủ nhau nhảy xuống biển bỏ trốn. Lúc đầu còn gần nhau, sau bị sóng đánh dạt mỗi người một hướng. Tôi lênh đênh đã 5 ngày, đói và khát vô cùng và tưởng rằng sẽ bỏ mạng trên biển. Khi thấy tàu có cờ Việt Nam đánh lái quay về phía tôi, tôi vẫn chưa tin là mình sẽ được cứu sống. Thật vô cùng biết ơn ngư dân Việt Nam”.
Thấy sức khỏe của Acamsyah quá yếu, giữa biển cả mênh mông, nếu không cứu kịp thời, thì có lẽ hậu quả đối với ngư dân này sẽ rất khó lường. Sau khi bàn bạc với các anh em thuyền viên, tất cả đều nhất trí quay về, ông Quý kể lại. Dẫu biết rằng, bám biển để mưu sinh luôn là mục tiêu chính của ngư dân, và phí tổn một chuyến của tàu cá ra khơi rất lớn nhưng ông Quý cùng các thuyền viên vẫn quyết định cho tàu về bờ.
Với trách nhiệm công dân cao cả, một tấm lòng nhân ái, dám hy sinh vì việc nghĩa, ông Quý đã giành lại sự sống cho ngư dân Radin Bambang Irman Acamsyah từ tay thủy thần sau 5 ngày trôi dạt trên biển.
"Anh Quý đã từ bỏ chuyến đi biển cuối năm- chuyến đi mà chúng tôi mang bao hy vọng có một cái Tết đủ đầy để cứu người trong nguy nan, cho dù họ không cùng dòng máu Việt", một thuyền viên nói.
Trên đường trở về, từ Thuyền trưởng Dương Văn Quý, đến các bạn thuyền viên khác đều tận tâm phân công nhau chăm sóc nạn nhân, đồng thời thông báo cho gia đình và Trạm kiểm soát Biên phòng Hòn Rớ, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa biết thông tin về vụ việc cứu người nước ngoài bị nạn để tiếp tục ứng cứu.
Theo đó, 7 giờ sáng ngày 13/1, tàu cập cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, cán bộ Đồn Biên phòng đã có mặt để cùng với chính quyền xã Phước Đồng, khẩn trương tiếp nhận nạn nhân và tiến hành các thủ tục kiểm tra sức khỏe, bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt được bảo đảm.
Dành lại sự sống cho ngư dân nước ngoài
Trong quá trình ở tại đơn vị, nạn nhân Radin Bambang Irman Acamsyah luôn được quân y theo dõi, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bởi người đàn ông này có tiền sử bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, hàng ngày anh còn được Đại sứ quán liên lạc, hỏi thăm và nói chuyện. Thấu hiểu nổi niềm người xa quê, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng ông Dương Văn Quý dành nhiều thời gian đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho anh.
Trong những ngày giáp Tết cổ truyền Việt Nam, ngư dân Radin Bambang Irman Acamsyah còn được Đồn biên phòng động viên, mời tham gia vào các buổi liên hoan, các hoạt động đón Tết cổ truyền dân tộc tại Đồn. Đại úy Võ Bá Minh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ cho biết, gần 10 ngày ở đơn vị, mọi chi phí ăn ở, thăm khám, tặng quà đều được Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Nha Trang hỗ trợ miễn phí.
Cảm kích trước những tình cảm đặc biệt ấy, ngư dân Radin Bambang Irman Acamsyah liên tục thốt lên: Tôi thật sự cảm động với tình cảm chân thành của các bạn, của Bộ đội Biên phòng. Thật quá may mắn khi tôi vẫn được sống, cảm ơn các bạn Việt Nam!.
Tại cuộc bàn giao ngư dân Radin Bambang Irman Acamsyah cho Đại sứ quán nước cộng hòa Indonesia tại Việt Nam, ông Arie Panduwibowo đại diện Đại sứ quán bày tỏ cảm xúc về nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần nhân đạo của Nhà nước Việt Nam. Ông cảm ơn Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, đã kịp thời quan tâm, chăm sóc sức khỏe, bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo cho người bị nạn. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các ngư dân tàu cá KH-87661TS đã kịp thời cứu, chăm sóc và cho ngư dân Radin Bambang Irman Acamsyah.