Anh Quan Văn Sỹ, Bí thư Huyện đoàn Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6), vừa qua, Huyện đoàn Lâm Bình đã đồng loạt ra quân với hơn 350 đoàn viên, dọn sạch rác thải nhựa, nilông tại các sông, suối, khơi thông cống rãnh, dọn rác tại các khu chợ, quán ăn,... Đồng thời, cũng trong ngày ra quân, các đoàn viên đã chủ động tuyên truyền cho bà con Nhân dân về tác hại của rác thải nhựa đối với nguồn nước, nhất là nguồn nước sinh hoạt nhằm nâng cao ý thức, hạn chế thói quen xả rác trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Không chỉ tham gia với mục đích phong trào mà mỗi đoàn viên, thanh niên vùng DTTS, miền núi còn được tập huấn kiến thức về mức độ nguy hại của rác thải nhựa. Thanh niên Bùi Trung Quyết, dân tộc Mường, TP. Lào Cai cho biết: “Việc sử dụng túi nilông đã thành thói quen từ nhiều năm nay của bà con bởi tính tiện dụng. Hành động thu gom rác thải nhựa chỉ giải quyết tạm thời vấn nạn rác thải trước mắt. Quan trọng nhất vẫn là việc tuyên truyền nhận thức cho người dân nhằm hạn chế, thay thế thói quen sử dụng đồ nhựa. Đây mới thật sự là biện pháp lâu dài bảo vệ môi trường”.
Không chỉ có Tuyên Quang, Lào Cai mà nhiều địa phương khác trên cả nước đã đồng loạt hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, thanh niên DTTS đã đồng loạt ra quân nhằm bảo vệ môi trường, chung tay ngăn ngừa thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Gánh nặng rác thải nhựa được cụ thể trong kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân một gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilông/tháng, tương đương với 01kg túi ni lông/hộ/tháng. Như vậy, cứ mỗi ngày, trên toàn quốc sẽ thải ra môi trường gần 700 triệu chiếc túi ni lông, đây là con số khủng khiếp đối với môi trường sống của cả nước.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việc hạn chế chất thải từ nhựa, nilông đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này. Mỗi cá nhân bắt đầu hành động từ việc giảm dần tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Do vậy, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải nhựa; có cơ chế chính sách về công cụ thuế nhằm hạn chế sử dụng loại túi nilông sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi nilông thân thiện với môi trường và các sản phẩm ưu việt khác để thay thế. Tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên; xử lý nghiêm đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu.
Theo thống kê của tổ chức WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên), nếu không thay đổi tình trạng rác thải sinh hoạt hiện nay, đến năm 2030 sẽ có thêm 104 triệu tấn nhựa có khả năng gây ô nhiễm đến các hệ sinh thái trên trái đất. Việt Nam là một trong những quốc gia thải nhựa ra môi trường đứng top đầu trên thế giới nên cần sớm có những giải pháp để giải quyết thách thức này.
Tại Việt Nam, nhận thức của mọi người dân về ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang gia tăng. Người dân nói chung cũng như bộ phận thanh niên Việt Nam nói riêng, trong đó có thanh niên vùng DTTS, miền núi sẽ là những người đi đầu trong công tác ngăn chặn rác thải nhựa, góp phần bảo vệ, giữ vững môi trường sống cho trái đất.
NGHĨA HIỆP