Tham dự buổi lễ có Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các bậc lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; người có công, thân nhân người có công tiêu biểu; tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã đến dự.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến, các đồng chí cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình có công với nước trong toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Các cấp ủy, chính quyền địa phương tại cơ sở thường xuyên theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình người có công để kịp thời có hình thức động viên, giúp đỡ phù hợp, thiết thực bằng cả vật chất và tinh thần; đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.
Tiếp tục triển khai tốt công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo, quản lý chăm sóc các phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ; tích cực triển khai công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; rà soát, nghiên cứu kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong 5 năm (từ năm 2018 - 2022) các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng” cho 94 mẹ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 919 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thiết lập hồ sơ theo quy định và đề nghị công nhận 45 trường hợp là liệt sĩ, 373 trường hợp được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, xét duyệt và chi trả trợ cấp cho 4.713 người được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen trong kháng chiến.
Hằng năm, ngành LĐTB&XH tỉnh đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho gần 28.000 người có công; cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công và thân nhân người có công theo quy định.
Phát biểu đại diện người có công tiêu biểu, Anh hùng Lực lượng vũ trang Mai Ngọc Thỏa bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể đã luôn quan tâm, động viên những người đã chịu nhiều hy sinh, mất mát, đau thương để giành độc lập cho dân tộc, đồng thời khẳng định những thương bệnh binh, người có công với cách mạng khi trở về quê hương sẽ phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vượt lên tất cả những khó khăn để tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng cuộc sống gia đình, làm giàu cho quê hương, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và phát triển đất nước.
Nhân dịp này, thay mặt Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã trao tặng 1.400 suất quà cho người có công với cách mạng tỉnh Thanh Hóa. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã trao tặng Nhà đại đoàn kết cho 92 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh với trị giá 5,04 tỷ đồng.
Cũng tại buổi lễ, 165 người có công, thân nhân người có công với cách mạng tiêu biểu và 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.