Chúng tôi có mặt tại điểm Trường Tiểu học Tam Thanh, huyện biên giới Quan Sơn. Tại đây, có thể chứng kiến cảnh ngôi trường xuống cấp trầm trọng. Sân trường là nền đất nên mỗi khi mưa xuống sẽ trơn trượt và rất lầy lội.
Khu trường có 16 phòng học, trong đó có 2 phòng lợp mái tôn học tạm, 2 phòng học mượn và 3 phòng tranh tre vách nứa. Ngoài ra, dãy nhà có 6 phòng học, nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng; cửa kính hư hỏng, trên tường xuất hiện các vết nứt, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Thầy Võ Văn Khương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Thanh, cho hay, năm học 2021 - 2022, toàn trường có 430 học sinh. Các thầy cô trong trường đã lên kế hoạch dạy học; tuy nhiên cơ sở vật chất, số phòng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, một trong những khó nhất của ngành Giáo dục huyện Quan Sơn là giáo viên còn thiếu; các điểm trường xa nên khó khăn cho việc di chuyển của giáo viên.
Ông Lê Huy HàPhó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn
“Dù năm học mới sắp đến nhưng nhà trường vẫn chưa có vốn tu sửa và xây lại các phòng học xuống cấp. Chỉ mong các ngành chức năng quan tâm ưu tiên hỗ trợ để nhà trường có phòng học mới cho học sinh”, thầy Khương nói.
Tại Trường Phổ thông bán trú Trung học cơ sở Tam Thanh, huyện Quan Sơn, thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trường nhà trường cho biết, thời gian gần đây, trường đang gặp khó khăn trong công tác nuôi ăn học sinh do nhà bếp chật hẹp. Các công trình phụ trợ đã xuống cấp, hiện trường có 5 phòng tắm, 5 phòng vệ sinh phục vụ 300 cán bộ, giáo viên, học sinh nhưng các công trình này đã xuống cấp không còn đáp ứng được với thực tế
Đặc biệt, nhà công vụ xuống cấp, trên tường xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Các thầy cô nơm nớp lo tường sập mỗi khi trời mưa gió.
“Chúng tôi rất mong huyện, tỉnh nghiên cứu bố trí vốn để cải tạo lại cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học cho nhà trường”, thầy Dương đề xuất.
Ông Lê Huy Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn cho biết, huyện có 44 trường học các cấp, trong đó có 55 điểm trường lẻ. Tổng số phòng học là 490, nhưng chỉ có 262 phòng kiên cố, cao tầng, nhiều phòng học xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có nguồn vốn sửa chữa, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học còn thiếu.
Theo ông Hà, các thiết bị dạy học lớp 1 do Nhà nước cấp cho các xã ĐBKK năm học 2020 - 2021; số thiết bị dạy học được cấp trước đó đã hết niên hạn sử dụng. Trong khi đó, nguồn kinh phí bổ sung hạn hẹp, kho chứa bảo vệ đồ không đảm bảo, nhân viên thư viện thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm, quy hoạch diện tích đất cho các trường còn nhiều khó khăn...
“Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh Thanh Hóa sớm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Hà cho hay.
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng hơn 800 phòng học tạm bợ, 2.700 phòng học bán kiên cố xuống cấp, hơn 500 phòng học nhờ, mượn, chủ yếu thuộc địa bàn các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn.
Do đó, để chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm chỉ đạo các địa phương rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có để lên kế hoạch xây mới, sửa chữa công trình phục vụ việc giảng dạy học tập, đặc biệt ở các khu vực còn nhiều khó khăn.