Giá trị tiềm tàng của những báu vật dưới tán rừng
Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái với hơn 1.000 loài cây dược liệu, trong đó có 529 loài quý hiếm, như Ngải đen, Bảy lá một hoa, Lan kim tuyến, Giảo cổ lam, và Hà thủ ô đỏ. Những loại cây này không chỉ mang lại giá trị y học lớn, mà còn chứa đựng tiềm năng kinh tế bền vững, đặc biệt cho các khu vực miền núi, nơi mà việc canh tác truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù HuTuy nhiên, tài nguyên dược liệu thiên nhiên cũng đối mặt với nguy cơ mai một do khai thác quá mức và sự suy thoái của môi trường rừng. Đứng trước thực tế ấy, Thanh Hóa đã xây dựng chiến lược lâu dài, kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác bền vững, từng bước khôi phục những giá trị quý giá từ thiên nhiên.
Những năm qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã trở thành điểm sáng trong việc bảo tồn và nhân giống cây Ngải đen – một trong những loài dược liệu đặc trưng của vùng núi Thanh Hóa. Từ năm 2019 đến 2022, dự án bảo tồn loài cây này trên diện tích 0,5ha rừng cộng đồng thôn Pà Ban, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp khôi phục giống loài, dự án còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế từ các sản phẩm dược liệu, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân địa phương.
Cùng với đó, các loại dược liệu quý khác như Giảo cổ lam, Bảy lá một hoa, hay Đẳng sâm cũng được trồng thử nghiệm và bảo tồn. Những kết quả tích cực đã minh chứng cho khả năng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và khai thác giá trị kinh tế.
Trồng dược liệu là hướng đi bền vững giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn. (Trong ảnh: Người dân xử lý dược liệu phơi khô sau thu hoạch)Ông Lê Thanh Hữu, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết: “Cây Ngải đen là loại dược liệu quý và có hiệu quả kinh tế cao, cây ưa khí hậu miền núi và là loài dược liệu có thể giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo nguồn giống cung cấp cho người dân; cam kết đến năm 2025 hỗ trợ 50% giống dược liệu cho người dân trồng loại cây này”.
Lan tỏa những mô hình kinh tế xanh
Tại các huyện miền núi Quan Hóa và Lang Chánh, quá trình trồng thử nghiệm các loại dược liệu bản địa dưới tán rừng đã cho kết quả tích cực. Những cây dược liệu đặc hữu không chỉ sinh trưởng tốt mà còn đạt năng suất và chất lượng tương đương với việc phát triển trong môi trường tự nhiên.
Nhiều mô hình trồng dược liệu đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ, như mô hình trồng 3 loài cây dược liệu tại Khu Bảo tồn loài Nam Động, cây huyết đằng và ngũ gia bì ở Quan Hóa, hay sâm ngọc linh và lan kim tuyến của Công ty cổ phần Sông Mã tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Ngoài ra, mô hình cây khôi tía tại Vườn Quốc gia Bến En cũng tạo dấu ấn quan trọng.
Những thành công từ các mô hình này không chỉ khẳng định tiềm năng của các loại dược liệu quý mà còn mở ra cơ hội lớn cho việc thu hút các chương trình, dự án và doanh nghiệp đầu tư vào trồng và chế biến dược liệu quy mô lớn tại Thanh Hóa.
Anh Lê Thành Công, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cho biết, đơn vị đang triển khai mô hình trồng lan kim tuyến – một loại dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Trước khi triển khai, mẫu đất và điều kiện khí hậu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo sự phù hợp. Nhờ đó, mô hình trồng thử nghiệm qua nhiều đợt đã cho kết quả khả quan với tỷ lệ cây sống đạt từ 70-80%.
Anh Công chia sẻ, sau khi mô hình thành công, đơn vị sẽ nhân giống, mở rộng vùng trồng và chuyển giao kỹ thuật cũng như nguồn giống cho người dân miền núi, giúp họ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.
Thanh Hóa xác định, phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnhÔng Lê Văn Thảo, một người dân tham gia mô hình phấn khởi thông tin: "Thu nhập từ dược liệu cao gấp 2-3 lần so với canh tác ngô, sắn truyền thống. Ngoài ra, bà con còn bỏ được tình trạng phá rừng làm rẫy".
Theo ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, việc bảo tồn và phát triển dược liệu không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Nông nghiệp mà cần sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng dân cư. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng 16 mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, với tổng diện tích đạt 99.000ha và sản lượng 550 tấn/năm.
Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dược liệu, từ trồng trọt, chế biến đến phân phối sản phẩm. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống cây cho người dân để phát triển kinh tế địa phương.