Tăng liên tục
Theo Sở Y tế Gia Lai, do đặc thù là tỉnh miền núi, có trên 70% dân cư sống bằng nghề làm rẫy, thường xuyên đi rừng nên từ đầu năm đến nay, đã có gần 700 người mắc bệnh sốt rét, tăng gần 140% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều huyện có diễn biến phức tạp, người dân liên tục phải nhập viện như huyện Krông Pa, Ayun Pa.
Ông Đinh Long ở xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) cho biết: Năm ngoái trong xã chỉ có vài người bị, nhưng năm nay tăng lên gấp mấy lần. Lần nào đưa người thân vào cơ sở y tế để trị bệnh sốt rét cũng thấy chật cứng người. Do điều kiện địa lý cách trở nên hầu hết những người ở khu vực giáp ranh biên giới khi bị nặng mới đưa đến bệnh viện. Có người phải cấp cứu.
Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Krông Pa cho thấy, đầu năm đến hết tháng 7, đã có gần 400 người mắc sốt rét, tăng hơn 4 lần so với năm 2018. Tại huyện Ia Pa cũng có 156 người mắc sốt rét.
Tại tỉnh Đăk Lăk, riêng từ đầu năm 2019 đến nay, cũng đã ghi nhận được 450 trường hợp mắc sốt rét, trong đó có 2 ca sốt rét ác tính. Nhiều huyện vùng sâu, khu vực biên giới như: Ea Súp, Ea Kar, Ea H’Leo… người dân chưa chú trọng đến việc phòng ngừa.
Theo Trung tâm Phòng, chống sốt rét-ký sinh trùng- côn trùng (Sở Y tế Đăk Lăk) thì: Đến thời điểm hiện tại, tất cả các xã, thị trấn, huyện trên địa bàn toàn tỉnh đều có người bị bệnh sốt rét. Đây là điều rất đáng lo ngại. Có gia đình, dòng họ hàng chục người cùng mắc bệnh. Hiện ở huyện Ea Kar có gần 200 người mắc, Krông Năng hơn 100 người, Ea H’leo 16 người…
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khẳng định: Đây đang là đợt cao điểm của bệnh sốt rét nên nếu người dân không cẩn trọng dễ xảy ra tình trạng bùng phát dịch. Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân khi vào viện vẫn ngây ngô cho rằng, muỗi có truyền bệnh sốt rét thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Đó là nhận thức sai lầm. Điển hình như, bệnh nhân Lý Seo Hòa (SN 1993, trú xã Cư Pui, huyện Krông Bông). Tháng 7, Hòa đi rẫy 10 ngày, bị muỗi cắn và sốt nhưng đến khi chuyển thành ác tính mới nhập viện trong tình trạng nguy kịch, rất may đã được cấp cứu kịp thời.
Phải ngủ màn và xoa kem chống muỗi
Khuyến cáo mạnh mẽ được ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên đưa ra là, 68% dân số thường xuyên ngủ rẫy, đi rừng, nếu có ngủ lại bắt buộc phải dùng màn và xoa kem chống muỗi để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình. Khi có dấu hiệu sốt rét nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Đến cuối tháng 8/2019, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai đã cấp 232.400 chiếc màn; 13.120 võng màn và 21.000 tuýp kem chống muỗi cho các xã, huyện có bệnh sốt rét lưu hành đồng thời thành lập nhiều đội tuyên truyền lưu động đến tận các buôn làng để cập nhật kiến thức và cách phòng, chống bệnh sốt rét cho người dân.
Điều đáng lo ngại là, nhiều bệnh nhân mắc sốt rét sau đó tái phát nhiều lần và có hiện tượng kháng thuốc. Để tăng cường kiểm soát tình trạng nhiễm bệnh, Trung tâm Phòng, chống sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Đăk Lăk cũng đã tiến hành phun hóa chất ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Bên cạnh đó, có nhiều giao ước với các già làng, Người có uy tín ở địa phương để vận động người dân nên ngủ màn, hành trang bắt buộc trong những chuyến đi làm rẫy, làm rừng nhiều ngày là phải có kem chống muỗi. n
ĐÔNG HƯNG