Thượng tá Hồ Văn Tấn, Phó trưởng Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn huyện hiện nay có 28 bến đò đưa khách ngang sông, trong đó có 3 bến giáp với biên giới Campuchia, 20 bến nội huyện, 5 bến liên huyện. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, đơn vị đã tổ chức, phân công cán bộ chiến sĩ CSGT đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ cơ quan báo, đài địa phương và ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia giao thông nắm rõ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; vận động bà con không chở hàng quá tải trọng cho phép, luôn mang theo áo phao, dụng cụ nổi trên ghe, tàu khi tham gia lưu thông…
Đối với các địa phương có ngư dân đánh bắt cá mùa nước nổi, lực lượng triển khai theo phương châm “ra tận đồng, tuyên truyền tận ghe” cho ngư dân. Điển hình, tại xã Phú Hội, địa phương có chiều dài giáp biên giới Campuchia khoảng 10km, được xem là “cánh đồng cá”, từ đầu tháng 8 đến nay, lực lượng Công an xã Phú Hội đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động cho người dân ngay tại cánh đồng nước và các chợ cá trên đồng và các hộ đánh bắt thủy sản vùng giáp biên giới.
Đại úy Nguyễn Trung Nhã, Trưởng Công an xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết: “Để công tác tuyên truyền thật sự có chiều sâu, giúp người dân dễ dàng tiếp thu nội dung tuyên truyền; đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, đơn vị đã phân công Tổ công tác thường xuyên dùng ghe ra tận đồng, nơi bà con mưu sinh để gặp gỡ, trò chuyện với bà con.
Nội dung tuyên truyền thường tập trung vào việc vận động người dân không qua biên giới Campuchia đánh bắt thủy sản trái pháp luật. Không sử dụng xung điện, xiệt điện để đánh bắt, tận diệt nguồn lợi thủy sản. Ra đồng bắt cá cần mang theo áo phao, can nhựa, vật nổi. Hướng dẫn bà con cách tìm nơi trú, neo đậu tàu, ghe an toàn khi có giông, lốc, mưa, bão. Nhắc nhở bà con phải có ý thức tự bảo vệ tài sản như: ngư cụ đánh bắt, bình ắc quy, máy xăng,… vì có nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự mất cảnh giác của bà con trong mùa mưa lũ để thực hiện hành vi trộm, cắp tài sản.
Tương tự, tại huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hàng ngày nhu cầu đi lại và làm ăn của bà con trên các bến đò ngang rất lớn. Hiện tại, toàn huyện có 28 đầu bến khách ngang sông, 55 phương tiện thuỷ. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình hình tai nạn đường thuỷ trong mùa nước nổi, Công an huyện đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương thành lập mô hình: “Tuyên truyền loa phát thanh trên bến khách ngang sông”.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã lắp đặt 29 bộ loa trên 22 phương tiện đường thuỷ chở khách ngang sông và 5 bến chờ. Lực lượng tuyên truyền đến các bậc cha mẹ cần lưu ý quản lý con cái, tránh sơ suất dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức đưa rước học sinh tại các vùng ngập sâu; triển khai các điểm giữ trẻ, các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực nước lũ chảy xiết nhằm kiểm soát, hướng dẫn giao thông; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt mưa lớn, lũ, bão để theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời ứng cứu khi sự cố xấu xảy ra...
Trung tá Nguyễn Long Hồ, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào, Công an huyện Hồng Ngự cho hay: Sau gần 2 tháng triển khai, với mỗi ngày phát 3 lần tuyên truyền, đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân. Theo đó, người dân vi phạm tham gia giao thông đường thuỷ giảm so với trước đây. Bên cạnh đó, phần lớn, ngư dân sống trên địa bàn đã chấp hành việc khai thác đánh bắt cá đúng quy định. Đặc biệt, chủ các bến khách ngang sông chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường thuỷ…
HẠNH NGUYÊN