Thủ tướng Chính phủ trao tiền hỗ trợ cho các địa phương, tại Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "Xoá nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025. Ảnh: TLTại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (tháng 1/2025) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Chỉ đạo; sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; sự chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo của các bộ, cơ quan, địa phương…
Tính đến 14/02/2025, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 106.189 căn, tăng 5.552 căn so với thời điểm ngày 07/02/2025 (báo cáo cập nhật kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày 7/2 cho thấy, các địa phương đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 100.637 căn. Trong đó: 59.871 căn nhà đã khánh thành (tăng 11.985 căn) và khởi công mới 40.766 căn).
Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 8.560 căn nhà. Hỗ trợ nhà ở thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia trên 51.970 căn, Hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 45.659 căn nhà... trong đó: 61.557 căn nhà đã khánh thành, khởi công mới là 44.632 căn nhà. Năm địa phương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn thành 100%, không còn nhà tạm, nhà dột nát…
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: TLKết quả huy động nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho thấy, thông qua Chương trình phát động đợt thi đua cao điểm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, đến tháng 1/2025, đã có 12 địa phương nhận được hỗ trợ từ 12 đơn vị với tổng kinh phí nhận được là 1.370 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận hơn 72,452 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; hai địa phương là Hà Giang và Bắc Giang đã huy động được 89.529 ngày công lao động…
Một số địa phương có cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, như: Hà Giang đã chỉ đạo bố trí mặt bằng sạch, bố trí nơi ở tạm cho hộ dân trước khi xây dựng, hình thành tổ thanh niên chuyên chở vật liệu hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát; tỉnh Tuyên Quang đã ứng trước kinh phí để các hộ xây dựng nhà ở… Và nhiều địa phương đặt mục tiêu hoàn thành Chương trình sớm trong quý II, quý III năm 2025…
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra là xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; địa phương chủ động triển khai và chịu trách nhiệm chính.
Gia đình anh Tẩn Láo Tả - xã Mường Bo, Thị Xã Sa Pa (Lào Cai) được hộ trợ nhà mới. Ảnh: TLĐồng thời, các địa phương khẩn trương phê duyệt kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát; tổ chức giải ngân ngay đối với các nguồn lực được hỗ trợ, huy động; làm việc với các nhà đầu tư đã cam kết hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện; cử cán bộ đầu mối để cập nhật, cung cấp thông tin về kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương; bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm các vi phạm.