Phát huy giá trị văn hóa để khai thác du lịch
Bản Ven là bản du lịch cộng đồng của đồng bào Cao Lan (thuộc dân tộc Sán Chay) ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Bản có 148 hộ gia đình với 562 nhân khẩu, quần tụ giữa đại ngàn của núi rừng Yên Thế, cảnh sắc thiên nhiên mát mẻ, trong lành. Với tiềm năng thiên nhiên ưu đãi sẵn có, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đây là một lợi thế để bản Ven phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Hiện nay, cộng đồng người Cao Lan ở bản Ven vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, từ kiến trúc nhà sàn đến nét sinh hoạt truyền thống hằng ngày. Một số hộ gia đình người Cao Lan đã bố trí những khu vực riêng trên nhà sàn để phục vụ cho du khách đến nghỉ lưu trú, trải nghiệm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng.
Tới bản Ven, du khách được trải nghiệm khám phá đời sống sinh hoạt của đồng bào Cao Lan như: Hái chè cùng bà con, thưởng thức chè bản Ven, nếm mật ong rừng tự nhiên; đặt cơm với các món như thịt lợn rừng (lợn nuôi), lợn mán, lợn quay lá mắc mật, gà đồi Yên Thế, xôi ngũ sắc, xôi trứng kiến, ốc khe, măng đắng, rau dớn, hoa chuối rừng... Tại đây, du khách có thể thoải mái lựa chọn những bộ trang phục Cao Lan hoặc các bộ đồ phong cách riêng để check-in lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ.
Trưởng bản Ven Trần Văn Kính, người Cao Lan phấn khởi chia sẻ: “Nhiều gia đình ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn đã đưa con cái về đây tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái. Vào cuối tuần và các ngày lễ, Tết, lượng khách tham quan lên tới hàng trăm người”.
Được biết mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 7 điểm du lịch cộng đồng được hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2030, trong đó có điểm du lịch cộng đồng Bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế. Đây là cơ hội để đồng bào Cao Lan có thêm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch cộng đồng quy mô, bài bản hơn.
Nâng tầm di sản
Những năm gần đây, thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án, đặc biệt là việc thực hiện Dự án 6 - Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có nhiều khởi sắc. Các làng bản truyền thống - điểm đến du lịch tiêu biểu; các thiết chế văn hóa, thể thao tại thôn, bản vùng đồng bào DTTS; di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu tại vùng đồng bào DTTS,… đã được quan tâm, chú trọng lập dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, tu sửa.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm bảo tồn, khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Theo đó, các cấp, các ngành tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030”; Dự án 6 Chương trình MTQG 1719. Thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; khu, điểm du lịch cộng đồng”.
Ông Trương Quang HảiGiám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang
Tại huyện Sơn Động, những năm gần đây có nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái được thụ hưởng nguồn vốn Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiêu biểu như: xã An Lạc; bản Mậu; bản Nà Hin; Núi Mục - thác Ba Tia; Hồ Khe Chão; Khe Nương Dâu...
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, từ năm 2020 đến nay, địa phương tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng 12 nghi lễ, đám cưới văn minh của các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày; hội hát sình ca của người Cao Lan... Duy trì hội hát Then - đàn Tính (dân tộc Tày), hát sloong hao (dân tộc Nùng) kết hợp với chợ phiên vùng cao; đưa nội dung hát Then, đàn Tính vào giờ ngoại khóa ở trường học.
Cùng với huyện Sơn Động, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang cũng đang được “đánh thức” với nhiều nội dung được bảo tồn, truyền dạy, phục dựng, tạo bức tranh tổng thể, đa sắc màu, thu hút du khách gần xa.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 55 CLB hát dân ca DTTS duy trì hoạt động, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn. Tiêu biểu như: CLB Dân ca Cao Lan phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại bản Ven, xã Xuân Lương; CLB hát Then - đàn Tính tại Khe Rỗ, xã An Lạc, huyện Sơn Động; CLB hát dân ca Cao Lan, Sán Chí phục vụ phát triển du lịch vùng cây ăn quả, trải nghiệm vùng lòng hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần tại huyện Lục Ngạn…