Theo Quyết định số 1067/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH về phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2022, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ tại 60 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bình Định, Hà Nam và Hòa Bình. Đồng thời, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ tại 3 công trình xây dựng trọng điểm.
Báo cáo của Bộ LĐTB&XH công bố mới đây cho thấy, trong năm 2021, trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ TNLĐ, giảm 1.876 vụ so với năm 2020, làm 6.658 người bị nạn. Sơ bộ, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2021 bao gồm: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 3.954 tỷ đồng (giảm 2.049 tỷ đồng so với năm 2020); thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng (tăng 14,117 tỷ đồng so với năm 2020); tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là trên 116.377 ngày (giảm 33.947 ngày so với năm 2020).
Qua phân tích cho thấy, ngành dệt may, da giày có số vụ TNLĐ nhiều nhất, chiếm gần 14,2% số vụ và 13,7% số người chết vì TNLĐ năm 2021; tiếp đến là khai thác mỏ - khoáng sản 13,3%; đứng thứ ba là nhóm sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,6% số vụ...
Theo đánh giá, tình hình TNLĐ năm 2021 trong khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động đều giảm so với năm 2020 cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người. Tuy nhiên, cả nước vẫn có 574 vụ TNLĐ làm chết người 602 người. Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2021 như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên…