Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT), Ủy ban Dân tộc đã thành công bước đầu trong nỗ lực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tiếp thu được những bài học và sáng kiến trong việc củng cố, gắn kết tinh thần đoàn kết, tương trợ và hợp tác phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sự chủ động trong HTQT đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung, của Cơ quan làm Công tác dân tộc cả nước nói riêng.
Chia sẻ và tiếp nhận để phát triển
Dấu ấn rõ nét nhất về công tác đối ngoại và HTQT trong lĩnh vực công tác dân tộc (CTDT) là các chuyến thăm, làm việc song phương của các đoàn đại biểu cấp cao của Ủy ban Dân tộc (UBDT) thăm và làm việc tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các chuyến thăm là những dấu mốc quan trọng, tăng cường sự tin cậy chính trị, định ra các phương hướng, biện pháp lớn trong quan hệ song phương vì mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới.
Gần đây nhất (từ ngày 12 - 19/10/2022), được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn công tác cấp cao của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn, đã có chuyến thăm, làm việc tại Australia. Chuyến thăm và làm việc nhằm nghiên cứu, khảo sát, tạo nền tảng cho hợp tác phát triển, trong đó có lĩnh vực về công tác dân tộc giữa Việt Nam và Australia.
Trong thời gian 7 ngày công tác tại Australia (chưa kể thời gian đi và về), Đoàn đã tham dự 13 cuộc làm việc và chào xã giao. Chuyến thăm lần này của Đoàn công tác của UBDT nhằm đặt nền tảng cho hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, lao động- việc làm, phát triển nông nghiệp, du lịch cộng đồng và đầu tư.
Tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và bà Linda Burney, Bộ trưởng Bản địa Australia (ngày 17/10/2022), hai bên đã trao đổi về Dự thảo “Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc và Cơ quan Quốc gia về Người Bản địa Australia”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bản địa Australia đã thống nhất, sau khi các cơ quan hữu quan của hai bên có thẩm quyền tham gia, góp ý và hoàn thiện, hai bên mong muốn sẽ ký kết hợp tác trong dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Australia;hoặc nhân dịp chuyến thăm cấp cao Australia của Lãnh đạo cao cấp của Việt Nam gần nhất, với chủ đề “Năm của người bản địa” sẽ đặt dấu ấn quan trọng trong hợp tác về CTDT và công tác người bản địa của hai quốc gia.
Cùng với các chuyến thăm, làm việc ở nước ngoài, thì lãnh đạo UBDT đã tiếp, làm với nhiều đoàn công tác của các nước đến Việt Nam để chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực CTDT, thực hiện chính sách dân tộc. Thông qua những chuyến thăm, làm việc đó, mối quan hệ hợp tác giữa UBDT Việt Nam, với các cơ quan làm CTDT của các nước không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa các nước đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.
Cùng với việc nghiên cứu, tiếp thu các bài học kinh nghiệm công tác dân tộc, quyền các nhóm DTTS của các quốc gia trong khu vực, UBDT cũng đã thành công bước đầu trong nỗ lực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tiếp thu được những bài học và sáng kiến trong việc củng cố, gắn kết tinh thần đoàn kết, tương trợ và hợp tác phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi.
Chủ động hợp tác
Bên cạnh các chuyến thăm, làm việc của các đoàn cấp cao, UBDT cũng đã chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc, báo cáo việc triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các Điều ước Quốc tế, Thỏa thuận Quốc tế tại vùng DTTS và miền núi.
Trong năm 2022, UBDT đã định hướng triển khai Thỏa thuận Hợp tác đã ký với Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và nghiên cứu, đề xuất hợp tác với các đối tác khác như Bắc Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc; chủ trì xây dựng Đề án “Bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ 5 của Việt Nam thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc” (Công ước CERD); công tác Nhân quyền và thực hiện Công ước, Điều ước, Pháp luật quốc tế;…
Việc tích cực, chủ động trong HTQT vừa mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia và Nhân dân mỗi nước, đồng thời góp phần bảo vệ, gìn giữ, phát huy mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa các bên. Đặc biệt, thông qua những buổi tiếp, tiếp xúc của UBDT với đoàn cấp cao của các nước bạn để thảo luận lĩnh vực CTDT, đã góp phần thắt chặt hơn tình cảm hữu nghị.
Gần đây nhất (ngày 17/11/2022), tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã tiếp xã giao Đoàn cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, do ông Yia Cơ Ya No Cho Chông Tua - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước làm Trưởng đoàn. Bên cạnh thông tin về những kết quả trong việc hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian vừa qua, thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đề nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước tăng cường phối hợp với UBDT, sớm hoàn thành kế hoạch hợp tác năm 2023; đối với các đề xuất cần có văn bản chính thức gửi UBDT, để UBDT có căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ Việt Nam…
Sự chủ động thúc đẩy HTQT của UBDT, không chỉ từ những mối quan hệ song phương và còn hướng tới đa phương để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực CTDT, thực hiện chính sách dân tộc. Năm 2017, UBDT đã đề xuất và triển khai thành công sáng kiến hợp tác khu vực ASEAN thông qua Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Công tác Dân tộc lần thứ I, diễn ra ngày 18/9, tại Thái Nguyên.
Tại hội thảo này, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và đại diện Chương trình UN-REDD tại Việt Nam, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế đều thống nhất nhận định, các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đã dành sự quan tâm đặc biệt, nỗ lực đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi qua đó đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các nhóm DTTS. Tuy vậy, hiện nay nhóm DTTS của các nước trong khu vực, vẫn đang là nhóm yếu thế nhất; thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, đói nghèo... vẫn đang là thách thức lớn của vùng.
Từ thực tế trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước; kết nối, hợp tác cùng hướng tới sự phát triểnnhanh và bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Với mong muốn không ngừng nâng cao đời sống của các nhóm người DTTS tiến tới bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, đánh dấu một bước phát triển mới thực chất hơn về hợp tác trong lĩnh vực CTDT của các nước trong khu vực; qua đó nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam nói chung, của UBDT nói riêng.