Người Raglai theo chế độ mẫu hệ nên mọi việc quan trọng trong đám cưới đều do nhà gái giữ vai trò chủ động, Lễ cưới chính thức cũng được tổ chức ở nhà gái. Tuy nhiên, trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, chàng trai vẫn là người chủ động đi hỏi vợ.
Người Raglai có tục “ngủ thảo” tiền hôn nhân để tìm hiểu nhau. Theo luật tục Raglai, người con gái phải để chàng trai chủ động bày tỏ tình yêu và phải siêng năng, chăm chỉ để được các chàng trai đem lòng yêu mến thì mới được phép chọn người “ngủ thảo”. Trong những đêm “ngủ thảo”, nếu đôi trai gái cảm thấy thực sự yêu nhau sẽ xin hai bên gia đình cho phép tiến tới hôn nhân.
Nhà trai sẽ tìm ông mai, bà mối sang nhà gái tiến hành lễ hỏi. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật là một xấp lá trầu xanh, một chùm trái cau tơ sang nhà gái để tìm hiểu hoàn cảnh, dạm hỏi ý tứ gia đình nhà gái. Sau đó, nhà gái rót ra 4 bát rượu cần, làm 4 con gà, đặt trên một cái mâm để mời những người bên nhà trai.
Sau lễ ăn hỏi, trong khoảng thời gian chưa tổ chức Lễ cưới, đôi trai gái thường xuyên qua lại để tiếp tục tìm hiểu nhau, giúp nhau công việc phát nương, cày ruộng, cấy hái… Hai bên gia đình cũng qua lại nhà nhau bằng lễ đưa bầu rượu. Cho tới khi đủ điều kiện để tổ chức lễ cưới, nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái trao cho cô dâu tương lai và bàn chuyện chuẩn bị cho Lễ cưới.
Lễ cưới của người Raglai được tổ chức ở cả nhà trai và nhà gái (nhà trai tổ chức ngày thứ nhất vào ngày lẻ, nhà gái tổ chức ngày thứ hai vào ngày chẵn). Trong Lễ cưới tại nhà gái, mâm cúng tổ tiên của cô dâu, chú rể phải có gà luộc nguyên con, hai bát cơm với ý nghĩa tổ tiên sẽ phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ thuận hòa, làm ăn nhiều may mắn. Sau các nghi thức truyền thống, mọi người cùng nhảy múa chúc phúc đôi vợ chồng trẻ.
HỒNG MINH