Lũ đã quét hết tài sản
“55 căn nhà bị cuốn trôi, 141 căn khác bị hư hỏng nặng, 36 hộ dân phải di dời khẩn cấp vì sạt lở, 2 xe ô tô và hàng trăm xe máy bị vùi lấp…Thiệt hại ước tính lên đến 200 tỷ đồng”. Đó là con số thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn về trận lũ quét kể trên.
Anh Lô Thanh Tâm, ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Mưa như trút nước suốt cả đêm, đến rạng sáng, nước từ trên núi ồng ộc chảy xuống như thác đổ, cuốn theo mọi thứ, kể cả nhà cửa, ô tô”. Còn với nhiều người dân ở bản Hòa Sơn, thì đây là cơn lũ kinh hoàng nhất mà họ từng chứng kiến, nó trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.
Phải thừa nhận rằng, chính quyền các cấp ở huyện Kỳ Sơn đã rất kịp thời khắc phục hậu quả của cơn lũ dữ. Hàng nghìn lượt người từ bộ đội, thanh niên, dân quân tự vệ cùng với rất nhiều phương tiện may móc đã thẳng tiến Kỳ Sơn, giúp dân tạo dựng lại cuộc sống. Thế nhưng, cũng phải hơn 1 tháng trời, những đất đá, bùn lầy mới được tạm coi là sạch sẽ.
Lũ đã qua, nhưng hiểm nguy vẫn đang rình rập. Bà con phát hiện một vết nứt dài hàng trăm mét, chạy ngang chân núi tại bản Hòa Sơn, nguy cơ sạt lở có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Toàn bộ 225 hộ dân bản Hòa Sơn và một phần thị trấn Mường Xén đã không còn được an toàn, rất cần được di dời khẩn cấp.
Anh Lô Thanh Tâm rơm rớm, nói: Nhà tôi và nhiều nhà khác đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Sau một thời gian ở nhờ nhà người thân, 2 tháng nay phải đi thuê chỗ trọ. Nhà trôi, nếu còn lại đất thì có thể làm tạm nhà mới, nhưng đất cũng không thể ở được vì nguy cơ sạt lở cứ treo lơ lửng trên đầu.
Ấm lòng Tà Cạ
Hàng ngày, chứng kiến từng đoàn người, xe chất đầy hàng hóa thẳng tiến Kỳ Sơn, chúng tôi không khỏi xúc động trước tình cảm của bà con ta ở khắp mọi miền. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, số tiền 55 tỷ đồng đã được bà con gửi về Hòa Sơn, chưa kể cơ man nào là hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ngoài ra, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã khẩn cấp hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để bà con khắc phục khó khăn trước mắt. Càng thấm thía lời cha ông tự ngàn xưa: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Cũng trong rơm rớm nhưng là trong nỗi niềm xúc động, anh Lô Thanh Tâm cho biết: Dù mất nhà, phải đi ở trọ, cuộc sống rất khó khăn, nhưng tôi thấy ấm lòng, vì đồng bào ở khắp nơi đã không quên, không bỏ mặc chúng tôi trong hoạn nạn. Tôi được hỗ trợ 250 triệu đồng để xây nhà mới, giờ chưa có đất thì tôi dựng tạm căn lều để đỡ chi phí thuê nhà.
Ở bản Bình Sơn, xã Tà Cạ, gia đình ông Moong Văn Bình cũng trắng tay sau cơn lũ dữ. Toàn bộ nhà cửa, tài sản của gia đình ông đã “theo sông về với biển”, không còn một thứ gì còn sót lại. Điều may mắn, là cả nhà đã sớm di tản trước khi cơn “đại hồng thủy” ập đến nên không ai hề hấn gì.
Ngay sau cơn lũ, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã khẩn trương, dựng cho gia đình ông căn nhà tạm để sinh sống trong lúc chờ đất tái định cư. Về căn nhà mới sẽ được xây cất sau này, ông Bình cho biết, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho ông 200 triệu đồng, chỉ chờ có đất là dựng nhà.
“Sau cơn lũ, chính quyền đã kịp thời chi viện, giúp đỡ và sau đó nữa là đồng bào ta ở khắp nơi đã hỗ trợ rất nhiều nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn phần nào. Tôi muốn gửi đến mọi người lời biết ơn chân thành”, ông Bình nói lời tâm tình.
Cũng như những người dân khốn khổ khác vì lũ quét, bà Ngân Thị Tâm, ở bản Hòa Sơn rất xúc động trước tình cảm của bà con ta. “Gia đình tui đã được nhận một số tiền kha khá, gần đủ để dựng lại nhà mới đàng hoàng. Nhận tiền, vừa vui mừng vừa xúc động đến trào nước mắt. Cảm ơn mọi người lắm lắm. Tui hứa, sẽ xây dựng lại nhà cửa khang trang, cố gắng tăng gia sản xuất để có được cuộc sống bằng hoặc hơn trước đây”, bà Tâm cảm động nói.
Trong nỗi niềm xúc động và cả sự mong chờ đến vùng đất mới của bà con, thì một thông tin rất vui đã được ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông báo: Tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương về phương án bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng do lũ quét ở bản Hòa Sơn.
Khu tái định cư này rộng 12,9 ha ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, đủ bố trí cho 225 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Các sở, ngành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra thực địa và đang tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản liên quan để sớm triển khai dự án theo tiêu chuẩn dự án cấp bách.
“Chúng tôi đang cố gắng chạy đua với thời gian, phấn đấu đến cuối tháng 6/2023, dự án này sẽ hoàn thành để bà con ổn định cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, nói với tinh thần quyết tâm.