Một ngày cuối tháng 10/2021, chúng tôi có dịp về xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Con đường từ huyện vào trung tâm xã và đến tận các buôn làng đều đã được rải nhựa, nhà cửa kiên cố, khang trang. Có đi, có đến mới thấy, mới cảm được sức sống mới trên các buôn làng Tây Nguyên.
Điều này thể hiện rõ nhất ở bản Khanh, xã Cư Pui, từ một buôn làng heo hút với những ngôi nhà mái lá lụp xụp, giờ đây đã khoác lên mình tấm áo mới với những ngôi nhà lợp tôn, lợp ngói san sát nhau. Dẫn chúng tôi đi thăm công trình cấp nước sinh hoạt vừa xây xong, ông Y Som Byă, Trưởng bản Khanh chia sẻ: “Trước đây do phương thức sản xuất lạc hậu cho nên cái đói, cái nghèo cứ bám mãi. Giờ đây, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên bộ mặt buôn làng đã thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân đã được nâng lên về mọi mặt”.
Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm phấn khởi cho biết: Không chỉ riêng bản Khanh mà tất cả buôn làng trong xã đều “thay da đổi thịt”. Thông qua các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là Chương trình 135, 30a…, cuộc sống của đồng bào nơi đây đã hoàn toàn khác xưa. Các bản làng ở Cư Pui đều có điện lưới quốc gia; con cái trong độ tuổi đi học đều được đến trường; khi ốm đau người dân đã đến trạm y tế khám chữa bệnh; nhiều người đã xây dựng được nhà cửa kiên cố khang trang, mua sắm đầy đủ các phương tiện, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất, sinh hoạt…
Trước đây, buôn Ea Na, xã Ea Na, huyện Krông Ana là một trong những buôn làng khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Nhưng những năm gần đây, nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào DTTS ở Tây Nguyên buôn Ea Na đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang, ấm áp, ông Y Hăng Êban, bản Ea Na tâm sự: “Trước đây gia đình tôi chỉ biết làm cây lúa rẫy, nhưng ít hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc… nên làm nhiều cũng không đủ ăn. Những năm gần đây, tôi được cấp đất sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở, mua được máy móc phục vụ sản xuất, lại được cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cà phê, lúa nước… nên gia đình tôi và bà con trong bản đã thoát được đói nghèo, có điều kiện lo cho con cái học hành chu đáo”.
Cũng như các buôn làng ở Tây Nguyên, cách đây chưa đầy mười năm Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) được biết đến là xã “năm không” không đường, không chợ, không điện, không trường học, thiếu thông tin, người dân sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Thế nhưng đến nay, toàn xã đã nhựa hóa được hơn 70% đường giao thông nông thôn, 100% số trường học, trạm y tế cơ sở đã được kiên cố hóa; 100% số hộ dân đã được sử dụng điện. Toàn xã có 8 hồ đập thủy lợi, bảo đảm đủ nước tưới cho hơn 3.000 ha cây trồng các loại…
Đưa chúng tôi đi thăm các bản làng người M’nông đã định canh, định cư ổn định, ông Điểu Rách, Trưởng bản Đắk Huýt xúc động nói: Trước đây, bà con chủ yếu làm lúa rẫy nên năm nào cũng bỏ ra nhiều công sức, nhưng vẫn không đủ ăn. Từ khi được huyện, xã và cán bộ, chiến sĩ biên phòng về khai hoang cánh đồng, hướng dẫn bà con trồng cây lúa nước đến nay, một năm làm được hai vụ, năng suất lúa nước đạt sản lượng khá cao, nhiều gia đình đã thu được vài tấn lúa mỗi vụ, phần lớn các hộ dân các bản trong xã đã xây dựng nhà cửa ổn định, mua sắm được xe máy, máy cày, ti vi… phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.
Chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, ông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: “Giờ đây, không chỉ riêng các bản làng ở Quảng Trực mà hầu hết các thôn, bản làng trên địa bàn huyện đã có điện thắp sáng, có đường nhựa nối các buôn làng, có trạm y tế, trường học, công trình cấp nước sinh hoạt… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt và mở rộng sản xuất. Đặc biệt, những năm gần đây đồng bào dân tộc trong huyện đã biết trồng cây cà phê, khoai lang Nhật Bản, cây mắc ca và cây lúa nước mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuộc sống của người dân ngày càng đầy đủ, sung túc, trẻ em đều được đến trường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định”.