Tăng cường “lấp đầy” kiến thức pháp luật
Giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định 861/2021/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Sơn La có 202/204 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc phạm vi thực hiện Chương trình MTQG. Ngoài ra, giai đoạn này, tỉnh Sơn La có 2 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, gồm huyện Sốp Cộp và huyện Thuận Châu.
Đây đều là những địa bàn mà dân cư chủ yếu là đồng bào các DTTS. Để nâng cao kiến thức về pháp luật cho người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn này, những năm qua, tỉnh Sơn La đã chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tuyên truyền, vận động và TGPL, qua đó đã đạt được những thành quả bước đầu.
Số liệu được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật PBGDPL năm 2012; Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” được UBND tỉnh Sơn La tổ chức ngày 7/11/2022 cho thấy, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trực tiếp hơn 74.700 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL, 264 cuộc thi với hơn 100.000 lượt người tham gia; đồng thời biên soạn, phát hành hơn 4 triệu tài liệu tuyên truyền.
Qua đó, đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết nội bộ trong Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL, người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ những buổi tuyên truyền, PBGDPL được tổ chức tại cơ sở, người dân được tiếp cận và tương tác hai chiều với hoạt động tuyên truyền pháp luật miễn phí; từ đó nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, giúp người dân biết tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm pháp luật.
Hiệu quả từ hiểu biết pháp luật
Tại bản Tà Cọ, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, trong buổi tuyên truyền, PBGDPL, chị Lường Thị Niễn cho biết, khi cán bộ về nói chuyện, mình biết được thêm nhiều thứ mà pháp luật quy định, hóa ra, nhiều việc mà mình thực hiện ở bản chưa đúng đâu. Cán bộ giải thích cặn kẽ nên mình hiểu thêm được nhiều thứ mà thực hiện cho đúng. Đặc biệt, mình biết được quyền và nghĩa vụ trong các công việc của bản, của xã.
Qua những buổi tuyên truyền đến tận bản của các đơn vị chức năng huyện Sốp Cộp, người dân được trực tiếp nghe, giải đáp về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhờ đó, họ càng hiểu và thêm tin tưởng vào Đảng và các cấp chính quyền; thực hiện tốt chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những năm gần đây, trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng Nhân dân các cấp, tỷ lệ cử tri tham gia rất cao (năm 2016 đạt tỷ lệ 99,59%, năm 2021 đạt tỷ lệ 99,23%). Nhờ sự tuyên truyền tích cực của chính quyền địa phương về mô hình, cách làm cũng như việc quảng bá thương hiệu, người dân càng tích cực tham gia lao động sản xuất, từ đó có nhiều mô hình điển hình về phát triển kinh tế.
Cũng giống như Sốp Cộp, Thuận Châu cũng là huyện tiêu biểu trên địa bàn tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL. Xã vùng cao Long Hẹ nơi có hơn 99% là đồng bào DTTS, trong đó có hơn 70% là đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, tệ nạn tội phạm ma túy, tảo hôn, tranh chấp đất đai vẫn diễn ra.
Ông Vừ A Hờ, Chủ tịch UBND xã Long Hẹ, cho biết: Xã đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín, sử dụng tiếng địa phương, trực tiếp đến từng bản, từng nhà để tuyên truyền. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật gồm 10 thành viên đang công tác tại Đảng ủy, HĐND, UBND xã, sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn và tư vấn pháp luật cho người dân; xã có 14 tổ hòa giải tại với 94 hòa giải viên, gồm Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận cùng đại diện các tổ chức đoàn thể.
Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng PBGDPL xã đã phối hợp tổ chức 3 cuộc tuyên truyền PBGDPL tại 3 bản Chà Mạy, Co Nhừ, Nà Nôm, thu hút hơn 250 người dân tham gia; phát hành trên 500 tài liệu, tờ rơi liên quan đến kiến thức pháp luật... Đến nay, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bà con từng bước được nâng lên, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đất đai, tảo hôn, tệ nạn ma túy trên địa bàn xã đã giảm hẳn. Hiện nay, huyện Thuận Châu có 23/29 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...
Tại Sơn La, năm 2022, thực hiện nội dung số 2, Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 10 trong Chương trình MTQG, Ban Dân tộc Sơn La được tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, để hoạt động PBGDPL thực sự hiệu quả trong việc đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào, thì công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL) cũng phải được đặc biệt quan tâm. Bởi phần lớn đồng bào DTTS nói chung trên địa bàn tỉnh Sơn La lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, thường là nhóm người cận nghèo, nhận thức pháp luật, xã hội còn hạn chế, thường quen xử sự theo phong tục tập quán (thậm chí có những phong tục lạc hậu, không phù hợp với pháp luật)... dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, dễ bị lợi dụng, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Đồng bào DTTS khi đó không biết hoặc không thể tự bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nên khi có vướng mắc pháp luật dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp hoặc khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Hạn chế này được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ trong quá trình triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg. Cụ thể, Dự án 10, tại nội dung số 2 (tiểu dự án 1) đặt mục tiêu tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, Người uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào DTTS và Nhân dân; Tại nội dung số 3 đã mở rộng đối tượng, địa bàn được hưởng TGPL. Việc mở rộng đối tượng, địa bàn TGPL này nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.