Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết tính từ ngày 17/7 đến ngày 23/7 (tuần 29), số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP. Hồ Chí Minh, với 2.356 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca.
Tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29, tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Ngành y tế dự báo, số ca mắc và số ca nặng do dịch bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới. Tỷ lệ nhập viện và ca nặng từ các tỉnh chuyển đến thành phố chiếm khoảng 80%. Đến hiện tại, có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh đều có hộ khẩu từ các tỉnh, thành khác.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi cho Bộ Y tế, Thành phố đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng, với 3 tình huống. Hiện nay, Thành phố đang ở tình huống thứ 2. Cụ thể, có 50 -100 ca nhập viện mới/ngày, 200 - 700 ca điều trị nội trú, 20 - 70 ca nặng ứng, với quy mô giường bệnh là 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực.
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ số thuốc dự trữ của thành phố dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, trong khi thành phố luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến như hiện nay. Cụ thể, số lượng thuốc IVIG dùng mỗi ngày tăng đến xấp xỉ 200 lọ thuốc (từ 13/7 trở đi) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi lượng tồn IVIG tại các bệnh viện hiện khoảng 2.400 lọ, dự kiến đến cuối tháng 8 tới mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo.
Trước thực tế nhiều ca mắc đang tăng cao các tổ chức y tế khuyến cáo người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…
Đối với bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng. Đặc biệt, các gia đình không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.