Tọa đàm được bắt đầu bằng chương trình trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề “Sen” của nhà thiết kế Việt Phượng, với những thiết kế tinh tế, kết hợp khéo léo hình tượng sen trên nền trang phục truyền thống dân tộc. Từ đó tạo ra một phần trình diễn mãn nhãn, mở ra vẻ đẹp của hoa sen trên các tà áo dài thân thuộc.
Qua đó, hướng tới tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của hoa sen trong đời sống văn hóa người Việt, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Với mục đích đó, tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” tập trung vào 4 nội dung: Sen trong đời sống văn hóa Việt; Sen trong mỹ thuật; Sen trong thi ca; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt thông qua hình tượng hoa sen.
Từ bao đời, sen đã được coi là loài hoa gần gũi nhưng không kém phần thanh cao. Hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, được xem là quốc hoa Việt Nam, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt.
Ngoài ra hoa sen còn có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt. Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt.
Chính vì vậy, theo PGs.Ts. Nguyễn Thị Minh Thái, cần nhìn rõ hai 2 khái niệm: “Sen” và “đời sống văn hoá Việt”. Theo đó, ngoài có ý nghĩa trong đời sống văn hóa vật chất và văn hoá tinh thần của người Việt, hoa sen còn thuộc về phương Đông, trở thành một biểu tượng mỹ học văn hoá của nhà Phật. Do đó, cần phải nhìn hoa sen ở cả giá trị vật chất, giá trị tinh thần và là biểu tượng của nhà Phật.
Bàn về hình tượng “Sen trong thơ ca”, Ts. Trần Đoàn Lâm nhấn mạnh, sen đem lại nguồn cảm hứng phổ biến đối với thi ca, ca dao Việt Nam. Hoa sen gắn liền với vẻ đẹp, tình cảm quê hương. Là biểu tượng cho con người Việt Nam, nhất là vẻ đẹp thanh khiết, đạo đức, thanh cao của người phụ nữ Việt. Là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, mối tình đẹp đẽ, son sắt thủy chung.
Hơn thế, hoa sen còn mang tính triết học rất cao, về cả không gian và thời gian, có quá khứ, hiện tại và tương lai, để nói lên sự tồn tại của kiếp luân hồi, sự hoàn thiện của bản thân con người. Trong đó ngó sen, củ sen đại diện cho quá khứ, đài sen là hiện tại, còn hạt sen chính là tương lai…
Cũng tại tọa đàm, Ts. Trần Hậu Yên Thế, người được biết đến là tác giả với nhiều công trình nghiên cứu, tiêu biểu như: 2013 - Song xưa phố cũ và những ghi chép bên lề; 2017 - Phác họa Nghê, Gã Linh vật bên rìa... đã trực tiếp chia sẻ nhiều nội dung thú vị xung quanh chủ đề “Sen trong mỹ thuật” (Luận về tuyết liên trong nghệ thuật Việt).
Nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm, người sáng tạo không gian sen tư pháp tại buổi toạ đàm, với đam mê gần 20 năm với sen đã chia sẻ về những nghiên cứu, quan sát, câu chuyện về sen trong đời sống văn hóa Việt, sen trong mỹ thuật, sen trong thi ca và hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt thông qua hình tượng hoa sen.
Cũng theo bà Tâm chia sẻ, vừa qua, với sự hỗ trợ của Ban ảnh thuộc Thông tấn xã, bà đã tổ chức thành công cuộc thi ảnh về sen, thu hút hàng nghìn tác phẩm, những tư liệu quý giá. Qua đây, bà nhấn mạnh dấu ấn của sen trong đời sống của người Việt, từ các họa tiết trên trang phục, kiến trúc, các tác phẩm hội họa, thậm chí trong cả văn hóa ẩm thực người Việt.
Cũng bởi lẽ đó, mặc dù đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm sen trong đời sống văn hóa Việt nhưng bà Tâm vẫn thấy có thể tổ chức nhiều cuộc triển lãm cũng như thi sáng tác nhiếp ảnh về mảng đề tài này.