Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ lâu được xem là vựa lúa và vựa trái cây lớn nhất cả nước. Ấy vậy mà, khu vực ĐBSCL lại thuộc diện nghèo khi thu nhập bình quân đầu người thấp hơn bình quân chung của cả nước. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở khu vực chỉ khoảng 44 triệu đồng/người/năm; riêng ở khu vực nông thôn chỉ đạt xấp xỉ 27 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của nước ta đã đạt 53,5 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn của cả nước cũng đã xấp xỉ gần 30 triệu đồng/người/năm.
Vì sao người nông dân ở ĐBSCL vẫn nghèo? Câu trả lời không khó khi đối chiếu vào phép tính sau: Một hộ nông dân có 5 nhân khẩu, canh tác trên 1ha đất trồng lúa 3 vụ, bình quân mỗi năm thu về khoảng 12 tấn lúa. Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương hộ đó thu về khoảng 6 tấn lúa. Với giá lúa dao động từ 5-6 nghìn đồng/kg thì cả 3 vụ lúa, hộ nông dân đó chỉ lãi được khoảng 30-36 triệu đồng. Vị chi, chia bình quân thu nhập cho 5 nhân khẩu thì một nhân khẩu chỉ có thu nhập không quá 7,2 triệu đồng/năm, tương đương không quá 600 nghìn đồng/người/tháng, dưới ngưỡng hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020.
So sánh với thời điểm cuối năm 2015, lúc đó thu nhập bình quân từ trồng lúa ở khu vực ĐBSCL cũng chỉ đạt khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 317 nghìn đồng/người/tháng. Nếu áp theo chuẩn nghèo đơn chiều giai đoạn 2011-2015 thì thu nhập của người trồng lúa vẫn dưới ngưỡng hộ nghèo thời điểm đó (chuẩn nghèo là thu nhập 400 nghìn đồng/tháng trở xuống). Điều này chứng tỏ, giá trị của lúa gạo gần như không tăng.
Trong khi đó, số liệu tổng hợp của các địa phương khu vực ĐBSCL cho thấy, sản lượng lúa gạo và sản lượng gạo xuất khẩu cũng tăng đều theo từng năm. Từ năm 2015 đến năm 2017, năm nào sản lượng sản xuất lúa gạo ở khu vực này cũng đều đạt trên 25 triệu tấn/năm. Theo tính toán của Viện lúa ĐBSCL, trong các năm 2018-2019-2020, trong xu hướng sản xuất lúa gạo giảm dần về số lượng, khu vực này vẫn bảo đảm cung ứng được 20-21 triệu tấn/năm.
Việc Viện lúa ĐBSCL dự báo sản xuất lúa gạo ở khu vực này trong những năm tới sẽ giảm dần về sản lượng là một thực tế có cơ sở, nhưng là một dự báo mang lại tín hiệu vui. Bởi hiện nay, ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đang chủ trương bỏ sản xuất lúa vụ 3 để tái tạo đất, nâng cao chất lượng lúa gạo.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, trước đây chúng ta lấy sản lượng để quyết định sự tăng trưởng và cứ nghĩ rằng, sản lượng càng nhiều thì nông nghiệp phát triển càng cao, thu nhập của nông dân càng cao. Nhưng đến thời điểm này, cách nghĩ đó không còn đúng. Chúng ta đang chuyển dần tư duy chạy theo sản lượng sang chất lượng. Bởi chính đảm bảo chất lượng chúng ta mới tạo được niềm tin của người tiêu dùng và tiến tới xây dựng được thương hiệu hạt gạo cho ĐBSCL.
Có thể nói, sản xuất lúa gạo của nước ta nói chung, của khu vực ĐBSCL nói riêng đang có bước thay đổi đáng ghi nhận khi hướng tới các giống lúa thơm, chất lượng cao, gắn với an toàn thực phẩm. Rõ ràng, với nhiều áp lực cạnh tranh trên thương trường xuất khẩu như hiện nay, gạo Việt phải thay đổi để tạo dựng thương hiệu bằng sản phẩm sạch, hữu cơ trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
KHÁNH THƯ