Màu áo nâu chàm của đồng bào Tây Bắc tại Chợ tình đất cao nguyênTiếng khèn trong nắng gió cao nguyên
Dòng người lũ lượt kéo về Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, nơi hội chợ tình diễn ra trong những ngày trung tuần tháng Giêng âm lịch. Nắng cao nguyên lên ấm mùa gió chướng bắt đầu, những vũ khúc miền Tây Bắc véo von, bập bùng chính thức kéo muôn người bước vào ngày hội khi mùa Xuân về. Giữa bạt ngàn hoa cà phê trắng ngần, vọng tiếng khèn người Thái, người Mông, điệu then của người Tày, người Nùng, ngân vang tiếng chiêng, say mãi nhịp xoang chuếnh choáng trong men rượu cần, rượu ngô trên mảnh đất thật đẹp và bình yên. Lạ lùng, ngỡ ngàng là tâm trạng chung của những ai lần đầu đi phiên chợ tình đặc biệt này. Không gian chợ tình được bố trí trên một bãi đất trống rộng. Cổng chợ được kết bằng tre và treo băng rôn màu đỏ rực rỡ. Ở chính giữa khu chợ bố trí một thân cây tre cao vút với một vòng tròn trên đỉnh để chuẩn bị cho trò chơi ném còn. Khắp nơi, lều trại bằng bạt được căng lên và trang trí lộng lẫy theo kiểu cắm trại đầu Xuân.
Những sắc áo rực rỡ của người Mông, người Dao trong hội chợ tìnhGần 30 năm vào miền đất bazan này lập nghiệp nhưng Giàng A Lanh chưa bao giờ bỏ quên tiếng khèn của người Mông mình ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Gần 30 năm chưa một lần được quay trở lại nơi chợ tình ở quê hương nhưng Giàng A Lanh đã có một phiên chợ tình khác ở Ea Tam này, nơi cũng nhờ tiếng khèn mà chàng trai người Mông đã tìm được vợ. Bây giờ giữa phiên chợ tình, Giàng A Lanh vẫn gửi gắm biết bao ân tình vào tiếng khèn da diết, thẳm sâu không thể diễn tả bằng lời.
Nhiều người, nhiều người lắm kéo về phiên chợ tình này. Họ là người Thái, người Tày, người Nùng, người Mông, người Dao... từ khắp các huyện xung quanh, từ những tỉnh lân cận cũng xúng xính trong trang phục truyền thống đến vui với chợ hội. Cái khoảnh khắc rất riêng ấy mới thực sự thể hiện đúng nghĩa hai tiếng chợ tình. Và tất nhiên là sẽ có rất nhiều đôi nam nữ nên duyên thành vợ chồng sau thời khắc tâm tình mùa xuân ấy. Khi điệu khèn được tung tẩy, họ sẽ đắm say trong tiếng khèn, và như thế cuộc vui mới trọn vẹn. Bởi đây không chỉ là một phiên chợ tình đậm chất văn hóa của cộng đồng các DTTS miền núi phía Bắc, nơi này còn là một lễ hội, một cuộc hò hẹn của văn hóa nhiều vùng miền trên vùng đất đầy nắng và gió cao nguyên.
Nhiều món ẩm thực của đồng bào phía Bắc cũng được bày bán tại Chợ tình - Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc tại Đắk LắkĐắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc có các tập tục, văn hóa dân gian, nghi thức, nghi lễ riêng…, từ đó tạo nên các lễ hội, gắn liền với từng vùng đất, từng giai đoạn lịch sử giúp con người nhớ về cội nguồn, về dân tộc... Chính điều này làm cho lễ hội của các địa phương mang nét đặc sắc và hấp dẫn riêng.
Xã Ea Tam (huyện Krông Năng) có 2.623 hộ, với 19 dân tộc chung sống, trong đó đồng bào DTTS phía Bắc chiếm hơn 85% dân số. Ea Tam được mệnh danh là Tây Bắc thu nhỏ trên vùng đất Tây Nguyên, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. “Chợ tình Ea Tam” tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm, đã trở thành thương hiệu, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn. Hơn thế, nhân dịp này, bà con, người thân ở xa trở về dự hội có dịp cùng nhau trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc, mùa màng sau một năm làm lụng vất vả; nam nữ gặp gỡ tâm tình, hẹn ước, nên duyên vợ chồng; lồng ghép với đó là các hoạt động bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực, sản vật địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, lại vừa hấp dẫn khách du lịch.
Đánh thức nền văn hóa
Những điệu then, đàn tính được thể hiện tại Chợ tìnhChợ tình Tây Bắc giữa lòng Tây Nguyên diễn ra vào độ Rằm tháng Giêng tại một xã vùng sâu nhưng đây đã trở thành miền đất hứa, trở thành nơi hội tụ của rất nhiều dân tộc anh em, đặc biệt là đồng bào các DTTS miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông... Những cuộc thiên di vào miền đất nắng gió bazan này mang theo nét văn hóa đặc sắc vùng miền của họ đến với vùng đất này đã điểm thêm nét đẹp rạng ngời cho nền văn hóa đa sắc tộc ở Krông Năng.
Chợ tình ngày Rằm tháng Giêng có thể được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như hội chợ, hội trại hay lễ hội văn hóa... mà tên nào cũng thấy đúng. Bởi lẽ, đến ngày chợ tình diễn ra, chỉ cần bước vào cổng chợ là du khách bị thu hút vào hàng loạt những gian hàng bán đồ mỹ nghệ, quần áo, mỹ phẩm đến ẩm thực, cơm lam, rượu cần, lá mỳ của miền cao nguyên, hay thịt trâu, thịt heo gác bếp, xôi ngũ sắc, xôi sắn hay các loại bánh lá như bánh dày, bánh giò, bánh láo khoải, bánh chưng đen, rượu ngô, mèn mén... đặc trưng của đồng bào miền Tây Bắc.
Đồng bào dân tộc Dao tại hội chợKhông chỉ có vậy, trong khuôn viên chợ còn trang hoàng một sân khấu lớn phục vụ các hoạt động văn nghệ để phục vụ việc vui chơi, giải trí của mọi người. Chợ tình nơi này vẫn phảng phất dư vị của một lễ hội văn hóa dân gian đúng nghĩa. Có những ông thầy mo làm nghi lễ cúng quả đầu năm bên những bàn mâm quả được bày biện công phu. Đó còn là sắc màu sặc sỡ từ những bộ y phục truyền thống của những người dân tham gia chợ tình. Những cây đàn tính, bộ áo chàm, điệu hát then, món bánh cuốn… cũng hiện diện ở đây. Những khoảng đất trống diễn ra trò chơi ném còn thu hút rất đông người. Họ đứng thành từng vòng tròn, hò hét, cổ vũ cho những trò chơi dân gian quen thuộc đầu Xuân của đồng bào các dân tộc Tây Bắc như đi cà kheo, ném còn, kéo co, đẩy gậy. Những nghi lễ, trò chơi văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc như: Lễ cúng thổ công, hội tung còn, nấu rượu ngô men lá, kéo co, bắn nỏ… được người dân hào hứng tham gia.
Sắc màu Việt Bắc tại Tây NguyênÔng Đinh Hải Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để khai thác tốt tiềm năng du lịch từ lễ hội “Chợ tình Ea Tam”, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, phối hợp với các địa phương phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống; tổ chức truyền dạy, bảo tồn văn hóa truyền thống, địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch phục vụ du khách. Chúng tôi mong muốn được các doanh nghiệp du lịch tiếp sức để nâng tầm lễ hội này thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Năng thông tin thêm, để phát triển du lịch tại các địa phương được bài bản, đồng bộ, rất cần có sự đầu tư của các doanh nghiệp du lịch, xây dựng được những mô hình homestay để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách khi về trải nghiệm văn hóa tại địa phương.
Thiếu nữ dân tộc Tày tại hội chợ