Điển hình như sự việc đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - chỉ một thôn nhỏ với hơn 200 hộ dân sinh sống nhưng đang phải “gánh” đến 4 quy hoạch khác nhau. Câu chuyện đặt ra nhiều dấu hỏi đáng suy ngẫm với chính quyền và các cơ quan chức năng.
Đó là thôn Tân Bình thuộc xã Lộc Châu, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc chưa đầy 2km. Hơn 10 năm, cuộc sống người dân bị đảo lộn do vướng quy hoạch dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng; quy hoạch Khu dân cư Tân Bình; quy hoạch sinh thái núi Sa Pung và quy hoạch vành đai xanh đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc.
Đáng nói, hơn 10 năm nay, các dự án hầu như chưa được triển khai khiến các hộ dân bức xúc vì không thể ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất. Trong đó đặc biệt là nhu cầu tách thửa đất, xây dựng, sửa chữa nhà ở bởi nhiều hộ muốn mở rộng nhà hoặc cho con đất khi con cái đã lớn nhưng đều bế tắc...
Hay như tại Kon Tum, đã hơn 15 năm nay, hàng chục hộ dân ở Tổ dân phố 10, phường Duy Tân (TP. Kon Tum) khốn đốn vì quy hoạch khu dân cư ngay trên mảnh đất gia đình họ đang sở hữu. Mặc dù họ sinh sống ổn định hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Cũng bởi vậy, họ không thể sang nhượng đất, không được thế chấp đất đai, nhà cửa để vay tiền ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế.
Ngoài quy hoạch khu dân cư, một phần diện tích của nhiều hộ dân thuộc Tổ dân phố 10, phường Duy Tân cũng nằm trong quy hoạch công viên cây xanh. Quy hoạch treo cả chục năm khiến hàng ngàn người dân tại Kon Tum không thể xây dựng, vay vốn. Thậm chí có nhiều khu vực người dân phải tự làm đường, kéo đường dây điện về để sử dụng…
Có thể hiểu sự bức xúc rất lớn từ phía người dân khi vướng phải các dự án “quy hoạch treo” kéo dài từ năm này qua năm khác. Vướng 1 quy hoạch treo đã khổ, thế nhưng cùng lúc vướng nhiều quy hoạch treo như những ví dụ điển hình nêu trên thì quả là khổ chồng khổ vì không biết tới khi nào những hộ dân đó mới thoát khỏi cảnh sống trên đất của mình nhưng bị hạn chế tất cả các quyền cơ bản của chủ sở hữu vì những tắc trách của chính quyền cũng như các ngành chức năng liên quan?
Sự việc nhiều quy hoạch bị chồng lấn cho thấy các cơ quan chức năng thiếu sự phối hợp, tham vấn trong việc lập quy hoạch. Do đó, dù chỉ 1 quyết định quy hoạch không phù hợp với thực tế cũng khiến người dân vướng phải những nỗi khổ kéo dài nhiều năm, thậm chí qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều đời lãnh đạo mà vẫn không thể giải quyết.
Thế nhưng, đáng suy ngẫm là, cho tới thời điểm này, ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm với những dự án quy hoạch treo và chịu trách nhiệm với những nỗi khốn khổ của người dân thì vẫn không hề rõ ràng. Thế nên người dân chỉ biết kêu trời mà thôi!
Do vậy, đã đến lúc cần xác định rõ ranh giới giữa “trách nhiệm cá nhân” và “trách nhiệm tập thể”, hướng đến cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền trong việc để xảy ra quy hoạch “treo”. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các quy định về trách nhiệm bồi thường khi quy hoạch “treo” gây thiệt hại cho người dân.